Không gây xáo trộn, ảnh hưởng tới học sinh
Hà Nội là nơi có quy mô học sinh lớn nhất cả nước. Riêng kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, năm nay thành phố dự kiến có gần 110.000 thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, tỷ lệ chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập năm học 2025-2026 đạt 64%, tăng 3% so với năm trước.
Theo kế hoạch, từ ngày 1/7, trên địa bàn TP Hà Nội bắt đầu công tác tuyển sinh vào trường mầm non, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 năm học 2025 - 2026. Phương thức tuyển sinh là xét tuyển theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định.
Học sinh Trường THCS Văn Yên trong ngày khai giảng năm học 2024-2025. Ảnh: Đ.Đ.
Trong khi đó, cùng thời điểm này, bộ máy mới của chính quyền sau sắp xếp trên toàn thành phố sẽ chính thức vận hành. Trong bối cảnh này, nhiều phụ huynh lo ngại sẽ xảy ra tình trạng trái tuyến, con em phải đi học xa hoặc bị thiếu suất học...
Chị Vương Thúy Hà, phụ huynh trên địa bàn quận Ba Đình cho hay, năm học tới con trai chị lên lớp 6. Theo tuyến, con chị sẽ học Trường THCS Nguyễn Trãi nhưng sau khi sắp xếp lại địa giới hành chính, thì có thể con sẽ học một trường THCS khác trên địa bàn.
“Nếu thay đổi như vậy, con sẽ phải đi học xa hơn. Gia đình tôi đang chờ đợi hướng dẫn của nhà trường”, chị Hà cho biết.
Một số ý kiến đề xuất thành phố xem xét, điều chỉnh thời gian tuyển sinh mầm non, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 sớm hơn kế hoạch đã công bố, có thể vào tháng 6.
Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh cấp thành phố năm học 2025 - 2026 mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, mục tiêu đặt ra trong việc tổ chức các kỳ thi, tuyển sinh trên địa bàn thành phố năm 2025 là bảo đảm tiến độ, chất lượng, không gây xáo trộn và ảnh hưởng đến học sinh.
Dù đơn vị hành chính có thay đổi, song thành phố Hà Nội vẫn giữ ổn định phương án và thời gian tổ chức tuyển sinh mầm non, tuyển sinh lớp 1 và lớp 6 năm học 2025-2026.
Trong khi đó, TP Hồ Chí Minh sẽ bỏ địa giới hành chính xã, phường trong tuyển sinh lớp 1 và tuyển sinh lớp 6 năm học 2025-2026. Học sinh lớp 1 ưu tiên theo diện “nơi ở hiện tại”; học sinh lớp 6 ưu tiên “nơi ở hiện tại” thuộc địa bàn, đã hoàn thành chương trình Tiểu học. Cùng với đó, thành phố triển khai ứng dụng hệ thống bản đồ thông tin địa lý để xác định địa bàn tuyển sinh.
Tại tỉnh Bắc Ninh, địa phương thực hiện tuyển sinh vào lớp 6 theo phương thức xét tuyển – đối với một số trường THCS trọng điểm có số thí sinh đăng ký tuyển sinh vợt quá chỉ tiêu được giao tỉnh có thêm tiêu chí xét tuyển là kết quả bài kiểm tra đánh giá năng lực.
Bắc Ninh cũng chủ động giữ ổn định kỳ thi lớp 10 như những năm học trước.
Chính quyền cấp xã quản lý các trường THCS, tiểu học, mầm non
Về việc bảo đảm duy trì, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các trường công lập khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề nghị các địa phương giữ nguyên các đơn vị sự nghiệp giáo dục và chuyển giao cho chính quyền cấp xã thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các trường THCS, tiểu học, mầm non.
UBND cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ban hành văn bản hướng dẫn nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục do cấp huyện đang quản lý chuyển cho các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp xã khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm các hoạt động hành chính liên quan đến giáo dục hoạt động bình thường, thông suốt, liên tục không gián đoạn, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, người dân, doanh nghiệp.
Bộ GDĐT cũng đề nghị UBND cấp tỉnh chỉ thực hiện rà soát, xác định các nội dung quản lý Nhà nước về giáo dục hiện nay cấp huyện đang thực hiện để điều chỉnh chuyển về cấp tỉnh (sở GDĐT) hay UBND xã quản lý.
Bộ yêu cầu UBND cấp tỉnh bảo đảm phân cấp mạnh nhưng không buông lỏng; không bỏ sót, không gián đoạn, không chia cắt nội dung quản lý về chuyên môn về giáo dục, điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Nguyễn Hoài