Tuyển sinh ĐH năm 2025: Đảm bảo quyền lợi nhóm thí sinh yếu thế

Tuyển sinh ĐH năm 2025: Đảm bảo quyền lợi nhóm thí sinh yếu thế
một ngày trướcBài gốc
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội đánh giá, Quy chế tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định đối với thí sinh. Các điểm có lợi cho thí sinh đã được cải tiến những năm qua được quy chế giữ nguyên như: đăng kí không hạn chế nguyện vọng, hệ thống xét nguyện vọng từ trên xuống dưới, không đăng kí phương thức xét tuyển, chỉ đăng kí ngành học/trường học. Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và các trường dựa trên dữ liệu thí sinh cung cấp để lựa chọn phương thức phù hợp nhất, có lợi nhất với thí sinh.
Hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT và các trường dựa trên dữ liệu thí sinh cung cấp để lựa chọn phương thức phù hợp nhất, có lợi nhất với thí sinh. Ảnh: NGHIÊM HUÊ
Ông Điền dự báo, năm nay, thí sinh có xu hướng chọn ngành học thay vì trường như thời gian qua bởi tác động của thị trường lao động. Quy chế năm nay có 2 điểm mới tác động chủ yếu tới trường ĐH và một phần nhỏ tới thí sinh. Đó là bỏ xét tuyển sớm và quy đổi các phương thức xét tuyển về thang điểm tương đương. Ông Điền cho biết, mục đích của việc xét tuyển sớm là để tuyển được những thí sinh có thành tích nổi trội nhưng đã bị đại trà hóa, nên trường và thí sinh đều vất vả. Khi đưa ra dự thảo Quy chế, Bộ GD&ĐT quy định xét tuyển sớm chỉ chiếm 20% chỉ tiêu nhưng các trường mong muốn bỏ hẳn cách thức này. Quy chế tuyển sinh ĐH năm 2025 đã không còn xét tuyển sớm là vì thế.
Yêu cầu quy đổi tương đương điểm giữa các phương thức xét tuyển là điểm mới hoàn toàn đối với trường ĐH kể từ khi không còn kì thi THPT quốc gia (năm 2020). Theo ông Điền, Bộ đưa ra quy định này xuất phát từ thực tế trường ĐH có nhiều phương thức xét tuyển, mỗi phương thức một thang điểm khác nhau nên việc nhìn nhận đánh giá chất lượng đầu vào trong một cơ sở giáo dục ĐH rất khó. Các trường cũng khó lí giải tường tận được tại sao phương thức này lấy bằng này chỉ tiêu, phương thức khác lấy bằng kia chỉ tiêu…
Linh hoạt điều chỉnh
Đứng ở góc độ đơn vị đào tạo, PGS. Nguyễn Phong Điền chia sẻ, từ năm 2022, ĐH Bách khoa Hà Nội sử dụng 3 phương thức tuyển sinh: Xét tuyển tài năng, xét điểm thi đánh giá tư duy (TSA), xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhà trường có chia tỉ lệ phần trăm chỉ tiêu cho từng phương thức xét tuyển. Ví dụ năm 2024, phương thức xét tuyển tài năng 20% chỉ tiêu, phương thức xét điểm TSA 30% và còn lại là xét điểm thi tốt nghiệp THPT. Việc phân bổ chỉ tiêu của ĐH Bách khoa Hà Nội dựa vào 2 yếu tố: Ưu tiên phương thức tuyển sinh tốt (gắn với số lượng); chất lượng nguồn tuyển.
Với những trường top trên, yếu tố quan trọng và được chú trọng là chất lượng nguồn tuyển. ĐH Bách khoa Hà Nội đã có đánh giá, đối sánh từ điểm học tập trung bình (GPA) của sinh viên với điểm xét tuyển đầu vào đối với 3 phương thức tuyển sinh. Khóa tuyển sinh năm 2022, điểm GPA của phương thức xét tuyển tài năng là 2.77/4.0; phương thức xét điểm TSA là 2.59/4.0. Khóa tuyển sinh năm 2023 lần lượt là 2.73/4.0; 20.49/4.0; 2.22/4.0. Khóa tuyển sinh năm 2024 (học kì I) lần lượt: 2.59/4.0; 2.33/4.0 và 1.95/4.0. Ông Điền khẳng định, hầu hết thí sinh trúng tuyển vào trường đáp ứng được chương trình học. Tuy nhiên, ở phương thức xét tuyển tài năng, số lượng sinh viên giỏi chiếm nhiều nhất, tiếp đến là phương thức xét điểm thi TSA và cuối cùng là điểm thi tốt nghiệp THPT.
Do đó, khi quy đổi tương đương điểm giữa các phương thức, sẽ cần hệ số quy đổi để đánh giá công bằng với thí sinh và nhà trường tuyển được sinh viên đáp ứng yêu cầu đào tạo. Điểm quy đổi là điểm xét tuyển (bao gồm: kết quả thi, điểm ưu tiên, điểm khuyến khích, điểm thưởng). Hiện nay, thang điểm của mỗi phương thức xét tuyển của ĐH Bách khoa Hà Nội có sự khác nhau, nhà trường lấy điểm thi tốt nghiệp THPT làm trục đối chiếu. Như vậy, những thí sinh có điểm thi TSA và xét tuyển tài năng mới cần quan tâm đến công thức quy đổi. Ông Điền cho biết, trường sẽ công bố hệ số quy đổi sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp.
“Nếu kì thi tốt nghiệp THPT ổn định như những năm trước, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ công bố được ngay hệ số quy đổi khi Bộ GD&ĐT có hướng dẫn. Nhưng năm nay, triết lí của kì thi có thay đổi (30% đề thi phân hóa), thí sinh học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, đề thi có thêm dạng thức trắc nghiệm nên nhà trường chưa có dữ liệu đối sánh”, ông Điền nói. Ông khuyến cáo, việc quy đổi thang điểm tương đương giữa các phương thức phải lưu ý đến vấn đề: Công thức phải đơn giản để thí sinh tính toán và có thể lí giải về mặt khoa học; xác định hệ số phải tính đến nhóm thí sinh yếu thế.
Với những điểm mới của quy chế năm nay, trường ĐH đã có những điều chỉnh linh hoạt. Học viện Ngoại giao năm nay bỏ phương thức xét tuyển phỏng vấn và thêm phương thức xét tuyển kết hợp kết quả thi tốt nghiệp THPT và chứng chỉ quốc tế. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, phương thức xét tuyển tài năng năm nay ở phần phỏng vấn sẽ chỉ còn đánh giá đạt/không đạt, bỏ cho điểm như mọi năm (tối đa 20 điểm). Đồng thời, với một số tổ hợp sẽ có trọng số điểm từng môn cụ thể. Ví dụ năm nay bổ sung tổ hợp mới K01 bao gồm các môn: Toán, Ngữ văn, Lý/Hóa/Sinh/Tin. Trong đó Toán, Ngữ văn là 2 môn bắt buộc, kết hợp với 1 trong 4 môn Lí hoặc Hóa hoặc Sinh hoặc Tin. Công thức tính điểm xét tuyển đối với tổ hợp K01 gồm: Toán (hệ số 3), Ngữ văn (hệ số 1), một trong 4 môn còn lại (hệ số 2). Như vậy, môn Toán trọng số 50% và tổ hợp K01 chỉ xét tuyển ở một số ngành. Các tổ hợp khác môn Toán hệ số 2, các môn còn lại hệ số 1.
PGS.TS. Nguyễn Phong Điền khuyến cáo, việc quy đổi thang điểm tương đương giữa các phương thức phải lưu ý đến vấn đề: Công thức phải đơn giản để thí sinh tính toán và có thể lí giải về mặt khoa học; xác định hệ số phải tính đến nhóm thí sinh yếu thế.
NGHIÊM HUÊ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tuyen-sinh-dh-nam-2025-dam-bao-quyen-loi-nhom-thi-sinh-yeu-the-post1730168.tpo