Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra - Bài cuối: Lượng – chất phải song hành

Tuyển sinh lớp 10: Đảm bảo đầu vào và nâng chất đầu ra - Bài cuối: Lượng – chất phải song hành
3 giờ trướcBài gốc
PGS.TS Trần Thành Nam.
Trong khi chờ Bộ GDĐT chốt phương án tuyển sinh vào lớp 10, nhiều ý kiến cho rằng, môn thi vào lớp 10 nên xác định rõ ràng và ổn định trong nhiều năm. PGS.TS Trần Thành Nam – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này.
PV: Bộ GDĐT đang lấy ý kiến về dự thảo Quy chế tuyển sinh THCS và THPT, trong đó điều đáng quan tâm nhất là việc tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Hiện hầu hết các địa phương đồng ý với phương án thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn: Toán, Ngữ văn và một môn thi thứ 3 hoặc bài thi tổ hợp do sở GDĐT, cơ sở giáo dục ĐH có trường THPT lựa chọn. Quan điểm của ông về phương án này thế nào, thưa ông?
PGS.TS Trần Thành Nam: Hai năng lực cốt lõi nhất thể hiện một người có đủ năng lực tư duy trong xã hội là tư duy ngôn ngữ và tư duy trừu tượng. Hai năng lực này được xác định rõ ở 2 môn Ngữ văn và Toán. Còn mục tiêu của chương trình mới hướng đến giáo dục toàn diện, không để cho học sinh có tâm thế học tủ, học lệch thì việc lựa chọn môn thi thứ 3 là phương án phù hợp.
Tuy nhiên, việc lựa chọn môn thi thứ 3 như thế nào cũng cần phải thực hiện nhất quán và cân nhắc. Nếu cách thức lựa chọn, thời điểm tiến hành không phù hợp thì sẽ tạo ra dư luận hoang mang, tiêu cực. Thời điểm công bố môn thi thứ 3 như dự kiến có đủ cho học sinh chuẩn bị tâm thế bước vào kỳ thi một cách thoải mái hay không? Hay tới lúc đó các trường mới lên kế hoạch ôn tập cấp tốc cho học sinh môn học đó?
Tôi cho rằng về cơ bản, đây là ý tưởng tốt nhưng khi triển khai thực tế cũng không đạt mục tiêu, thậm chí tạo thêm áp lực cho học sinh, bố mẹ và nhà trường. Ở đây cơ bản nhất là làm cách nào giảm tải cho người học và quan trọng nhất là làm thế nào để quá trình học tập của các em không bị thiên lệch, chạy đua về thành tích. Điều này không chỉ phụ thuộc ở việc ra quyết định lựa chọn môn thứ 3 mà quan trọng là quy trình hướng dẫn làm thế nào để giải quyết tất cả mâu thuẫn vừa nói.
Học sinh dự thi vào lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 tại Hà Nội.
Năm nào cũng vậy, tới thời điểm các địa phương tuyển sinh vào lớp 10, phụ huynh, học sinh lại ngóng số môn thi như Hà Nội, TPHCM. Ông có cho rằng số lượng môn thi vào lớp 10 nên xác định rõ ràng và ổn định trong nhiều năm, tránh tăng áp lực cho học sinh?
- Cách thức hay quy trình kỹ thuật cũng chỉ là cái vỏ của việc đánh giá. Mục tiêu của giáo dục là học sinh học thật, tôn trọng trí thông minh của học sinh. Trong khi, mỗi em có một năng lực, năng khiếu khác nhau ở trong lĩnh vực khác nhau, thì không thể nào chỉ thi 1, 2 môn để xác định sự thành công hay thất bại của người học. Theo tôi, đây chính là điều quan trọng cần thay đổi nhận thức của cộng đồng, phụ huynh, học sinh.
Phụ huynh, học sinh và nhà trường cần xác định rằng, điểm số không quan trọng bằng việc xác định chính xác điểm mạnh của người học là gì, cần bổ sung thêm những năng lực nào để có thể định hướng nghề nghiệp, thành công một cách bền vững trong tương lai. Tôi cho rằng, nếu không thay đổi được nhận thức này ngay từ ban đầu thì dù hình thức, cách thức tổ chức thi như thế nào đi chăng nữa, cuộc thi vào 10 vẫn luôn căng thẳng.
Hiện nhiều ý kiến đề xuất rằng môn thi thứ 3 nên là môn lựa chọn theo sở trường của học sinh thay vì môn Tiếng Anh. Ông đánh giá thế nào về đề xuất này?
- Trước đó, tôi cũng ủng hộ đề xuất này và tôi cho rằng đây là phương án khả thi vì nó theo xu hướng cá nhân hóa và tôn trọng năng lực người học. Tuy nhiên, nếu chọn phương án này thì cần xác định công tác tổ chức thi sẽ vất vả hơn, bởi sẽ có những môn thi mà rất đông thí sinh lựa chọn, không phải vì môn thi đó thể hiện năng lực bản thân mà đơn giản vì dễ học hoặc tính phân loại không cao.
Thế nên, mặc dù tôi cũng từng nghĩ tới phương án này nhưng tôi thấy chúng ta chưa sẵn sàng để thực hiện. Nếu môn thứ 3 là môn thí sinh lựa chọn theo năng lực, sở trường thì các trường ĐH sẽ phải xây dựng các tổ hợp môn tuyển sinh phù hợp, từ đó lựa chọn được người đủ năng lực với ngành đào tạo. Đây là vấn đề phát sinh, phức tạp, cần tính toán kỹ.
Tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập luôn là vấn đề nóng trong nhiều năm trở lại đây. Theo ông nguyên nhân do đâu?
- Nguyên nhân đơn giản nhất là do cung không đủ cầu. Thứ nhất, dịch vụ về giáo dục, hệ thống công lập không đáp ứng đủ nhu cầu. Thứ 2, có sự chênh lệch giữa giáo dục công lập và giáo dục tư thục. Bên cạnh đó vẫn là áp lực về mặt thành tích. Chúng ta có thể thấy tư tưởng của các bậc phụ huynh bây giờ cũng thoáng hơn, nhưng họ vẫn nghĩ nếu không học được đến ĐH thì khó có được một vị thế trong xã hội, có tương lai phát triển nghề nghiệp tốt. Tất cả những điều trên dẫn đến việc năm nào, kỳ thi vào 10 cũng càng ngày càng áp lực nhiều hơn.
Chương trình GDPT 2018 với yêu cầu phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, cơ cấu môn học đã thay đổi căn bản. Vì vậy kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cần thay đổi, tuy nhiên thay đổi như thế nào là yêu cầu đặt ra? Theo ông, phương hướng tuyển sinh lớp 10 sao cho hiệu quả gắn với mục tiêu thực học - thực nghiệp, định hướng phân luồng học sinh THCS theo sát mục tiêu của chương trình mới?
- Tôi không đặt nặng vấn đề thay đổi phương thức tổ chức thi thế nào mà cái cốt lõi là chúng ta nên thay đổi việc đánh giá thế nào để đi vào thực chất. Hiện tại chuẩn đầu ra của Chương trình GDPT 2018 yêu cầu 10 năng lực, phẩm chất cần đạt nhưng vấn đề là liệu chúng ta có đánh giá đúng năng lực, phẩm chất đó hay không, đó là một câu hỏi.
Cá nhân tôi nghĩ rằng, tất cả những năng lực, kiến thức của các môn học thì có thể đánh giá được, nhưng phẩm chất của người học - vốn là yếu tố có thể xác định được người học đó có phù hợp với ngành nghề cụ thể nào đó hay không thì hiện nay đánh giá về phẩm chất còn đang rất mờ nhạt. Việc đánh giá bằng nhận xét hạnh kiểm không thể nào phản ánh được tư duy, phẩm chất của người học. Ngay cả cách thức kiểm tra các môn học như Toán, Vật lý, Hóa học… chỉ là đánh giá được sự thể hiện ra về mặt tri thức nhưng kết quả đó đã đánh giá đúng năng lực người học hay chưa thì đây vẫn là câu hỏi, chưa rõ.
Quan trọng nhất hiện nay là chúng ta không chỉ đánh giá được cốt lõi năng lực học sinh mà cần đánh giá một cách chính xác về phẩm chất. Tôi cho rằng, đánh giá năng lực qua điểm số không chính xác, vì điểm số ở các trường khác nhau thì thước đo cũng khác nhau. Tôi ví dụ như học sinh đạt 10 điểm ở trường này nhưng chưa chắc có năng lực tốt hơn học sinh đạt điểm 7, 8 ở trường khác. Như vậy, cốt lõi là phải đổi mới được công cụ đánh giá. Khi đánh giá được đúng năng lực người học thì khi đó sẽ không có tình trạng học tủ, đoán đề.
Trân trọng cảm ơn ông!
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành – Chủ tịch Hội cựu Giáo chức Việt Nam:
Cần ổn định, giảm áp lực
GS.TSKH Nguyễn Mậu Bành.
Dự thảo Quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT đưa ra đã được tư vấn bởi hệ thống chuyên gia, nhưng cần chú ý tới sự ổn định. Như vậy thì tâm lý học sinh cũng ổn định, cách dạy của giáo viên cũng ổn định, chứ không phải chạy theo, chờ đợi số lượng môn thi hằng năm. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đang trở nên quá nặng nề, áp lực, khiến phụ huynh, học sinh vô cùng lo lắng. Theo chủ trương phân luồng học sinh sau bậc THCS, có ít nhất 30% số học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, dân tộc ta là dân tộc hiếu học, nên nhiều gia đình kỳ vọng con được học lên bậc THPT và sau đó vào ĐH.
Tôi cho rằng, cần phải tạo điều kiện cho học sinh tốt nghiệp THPT. Hiện số trường THPT công lập đang thiếu, nhất là ở các đô thị, khu dân cư đông. Thậm chí, ngay giữa Thủ đô Hà Nội mà học sinh muốn vào lớp 10 cũng rất khó khăn. Quan điểm của tôi là không thể được. Tôi mong muốn Nhà nước cần có thêm đầu tư cho giáo dục, Bộ GDĐT nên đề nghị Nhà nước tăng thêm ngân sách giáo dục để thỏa mãn nhu cầu học tập của người dân, ít nhất là hết bậc THPT.
Nguyễn Hoài (thực hiện)
Nguồn Đại Đoàn Kết : https://daidoanket.vn/tuyen-sinh-lop-10-dam-bao-dau-vao-va-nang-chat-dau-ra-bai-cuoi-luong-chat-phai-song-hanh-10293025.html