Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Băn khoăn điểm chênh giữa hai nguyện vọng

Tuyển sinh lớp 10 ở Hà Nội: Băn khoăn điểm chênh giữa hai nguyện vọng
18 giờ trướcBài gốc
Học sinh khó đăng kí nguyện vọng
Sau khi Sở GD&ĐT Hà Nội công bố kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT công lập, trên nhóm diễn đàn có hơn 160.000 phụ huynh tham gia đã có ý kiến về việc điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng đăng kí.
Theo quy định của Sở GD&ĐT Hà Nội, đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã; toàn Thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Mỗi học sinh được đăng kí nguyện vọng dự tuyển vào tối đa 3 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự nguyện vọng 1, 2, 3. Trong đó, nguyện vọng 1, 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh theo quy định, nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kì.
Thí sinh dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT tại Hà Nội năm 2024. Ảnh: NHƯ Ý
Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng kí. Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 được xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 1,0 điểm.
Học sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 được xét tuyển nguyện vọng 3 nhưng phải có điểm xét tuyển cao hơn điểm chuẩn trúng tuyển nguyện vọng 1 của trường ít nhất 2,0 điểm.
Quy định này xuất phát từ việc ngành giáo dục Hà Nội muốn nâng chuẩn đầu vào đối với một số trường và tạo cơ hội cho thí sinh đạt điểm cao nhưng trượt nguyện vọng 1.
Tuy nhiên, năm nay do thay đổi trong Quy chế tuyển sinh THCS, THPT vừa được Bộ GD&ĐT ban hành, nhiều phụ huynh cho rằng giữ nguyên 1 điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng liên tiếp là không hợp lí.
Anh Dương Thành Công (quận Hai Bà Trưng) chia sẻ, những năm trước, Sở GD&ĐT Hà Nội nhân hệ số 2 đối với môn Văn, Toán, môn còn lại hệ số 1. Năm nay, 3 môn thi (Toán, Ngữ văn, ngoại ngữ) không nhân hệ số (do Quy chế tuyển sinh của Bộ quy định) nên 1 điểm chênh lệch giữa các nguyện vọng sẽ gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh đăng kí nguyện vọng.
Theo anh Công, năm 2024, thang điểm xét tuyển của Hà Nội vào các trường THPT công lập không chuyên là 50/50, năm nay chỉ còn 30/30. Điểm chênh giữa các nguyện vọng không thay đổi sẽ thiệt cho thí sinh.
Anh Công đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội nên xác định điểm chênh giữa các nguyện vọng là 0,5 - 0,6 điểm là phù hợp. Anh Công so sánh, TPHCM cũng chỉ xác định điểm chênh giữa các nguyện vọng là 0,25 - 0,5.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, điểm chuẩn giữa các trường THPT trong cùng khu vực tuyển sinh của Hà Nội những năm qua gần như không có sự chênh lệch đáng kể. Nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1 thì nguy cơ trượt nguyện vọng 2 rất cao. Ví dụ năm 2024, điểm chuẩn khu vực Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng như sau: Trường THPT Trần Phú 39,5 điểm; THPT Việt Đức 41,25 điểm; THPT Thăng Long 42,25 điểm, THPT Trần Nhân Tông 39,75 điểm. Nhìn vào điểm chuẩn các trường cho thấy, nếu thí sinh trượt nguyện vọng 1, muốn trúng tuyển vào trường còn lại không dễ.
Nên có hệ thống xét tuyển
Nhà giáo Nguyễn Thành Công, Trường THPT Chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội cho hay, phương thức xét tuyển năm nay đòi hỏi phụ huynh, học sinh phải cân nhắc cẩn thận khi đăng ký nguyện vọng, thứ tự nguyện vọng. Trong cùng khu vực tuyển sinh, các gia đình phải cân nhắc năng lực của thí sinh, điểm sàn trúng tuyển các năm trước, vị trí, khoảng cách từ nhà đến trường, kinh tế gia đình… để đăng kí trường nguyện vọng 1, 2 phù hợp.
Thầy Công lưu ý, nguyện vọng 2 phải là trường có điểm chuẩn thấp hơn nguyện vọng 1. Cách thức tuyển sinh này có ưu điểm là giúp phân luồng giáo dục hợp lí, tránh tình trạng học sinh đăng kí tập trung vào 1 số trường tốp dẫn đến các trường khác không có học sinh.
Nguyên tắc xét tuyển này đồng thời giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng của từng khu vực tuyển sinh. Nhưng có một số bất lợi với thí sinh, nếu không xếp đặt nguyện vọng một cách phù hợp, một học sinh giỏi có thể trượt tất cả vì đặt các nguyện vọng quá cao và có điểm chuẩn tương đương.
Hiện tượng này năm nào cũng xảy ra. Do vậy, thầy Công lưu ý khi đặt nguyện vọng 2, 3 phải chú ý đảm bảo điểm của thí sinh cao hơn điểm xét nguyện vọng 1 của trường đó.
Theo thầy Công, thí sinh nên đặt nguyện vọng 1 vào trường phù hợp với khả năng, (dự đoán dựa vào điểm chuẩn các năm trước), đảm bảo các yếu tố: lực học, điểm thi, vị trí trường so với nhà… Không nên đặt nguyện vọng 2, 3 quá cao vì đây là nguyện vọng “chống trượt”.
Nếu thí sinh xét tuyển vào trường THPT chuyên của Sở GD&ĐT Hà Nội (THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, THPT Chuyên Chu Văn An, THPT Chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chuyên Sơn Tây) thì vẫn phải xếp đặt nguyện vọng vào trường THPT công lập một cách bình thường, việc lựa chọn chuyên khác với lựa chọn công lập. Việc thi tuyển các trường chuyên thuộc đại học không liên quan và không ảnh hưởng đến việc thi vào lớp 10 công lập, chuyên thuộc Sở GD&ĐT Hà Nội.
Một lưu ý thầy Công nhắc thí sinh là chọn trường THPT công lập xét tuyển có các tổ hợp học, lớp học phù hợp với nhu cầu, mong muốn và hướng nghiệp của thí sinh để tránh trường hợp trúng tuyển vào trường có các tổ hợp học không phù hợp ảnh hưởng đến định hướng nghề nghiệp của các em sau này.
Để công tác tuyển sinh lớp 10 đảm bảo công bằng, thuận lợi, thầy Công đề xuất Sở GD&ĐT Hà Nội nên áp dụng hệ thống xét tuyển theo mô hình đại học, mỗi trường THPT xây dựng đề án tuyển sinh với số lượng thí sinh, số lớp học theo mỗi tổ hợp môn học ở bậc THPT và đưa lên hệ thống.
Các thí sinh đăng kí nguyện vọng 1, 2, 3 theo quy định và bộ máy lọc ảo hoạt động nhằm đưa thí sinh trúng tuyển vào trường theo điểm và chỉ tiêu, theo tổ hợp môn học đăng kí phù hợp với nhu cầu định hướng nghề nghiệp thì sẽ tối ưu, cân bằng được các yếu tố trong tuyển sinh.
Theo thầy Công, thí sinh nên đặt nguyện vọng 1 vào trường phù hợp với khả năng, (dự đoán dựa vào điểm chuẩn các năm trước), đảm bảo các yếu tố: lực học, điểm thi, vị trí trường so với nhà… Không nên đặt nguyện vọng 2, 3 quá cao vì đây là nguyện vọng “chống trượt”.
NGHIÊM HUÊ
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/tuyen-sinh-lop-10-o-ha-noi-ban-khoan-diem-chenh-giua-hai-nguyen-vong-post1730801.tpo