Năm nay, Hà Nội có hơn 103.000 thí sinh thi vào lớp 10 THPT công lập và chỉ tiêu khoảng 81.000 suất vào trường công lập, đạt tỉ lệ trúng tuyển 78,6%. Nếu tính trên tổng số học sinh lớp 9 năm học 2024-2025 (khoảng 127.000 em), tỉ lệ vào lớp 10 công lập đạt khoảng 64%, tăng 3% so với năm trước. Thời điểm này, thí sinh đã biết điểm thi, điểm chuẩn vào lớp 10 THPT công lập và biết mình đỗ hay trượt các nguyện vọng đã đăng ký.
Theo kế hoạch, ngày 17/7, Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội và các trường THPT chuyên, THPT công lập họp để duyệt điểm chuẩn bổ sung vào lớp 10 công lập (nếu có). Từ ngày 19 - 22/7, các trường tổ chức xác nhận nhập học và tiếp nhận hồ sơ học sinh trúng tuyển bổ sung (nếu có).
Như vậy, băn khoăn đối với các học sinh chưa trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập hiện nay đó là năm nay, trường mình đăng ký các nguyện vọng nhưng chưa trúng tuyển có hạ điểm chuẩn hay không và nếu có thì hạ bao nhiêu? Có trường nào xét tuyển bổ sung tràn tuyến như trường hợp Trường THPT Đoàn Kết và Trường THPT Minh Quang năm 2024 hay không?
Nhìn từ thực tế nhiều mùa tuyển sinh gần đây, nhóm trường tốp dưới không tuyển đủ chỉ tiêu mặc dù điểm chuẩn đã rất thấp (10 - 15 điểm) thường được xem xét tuyển sinh bổ sung với thí sinh có nguyện vọng 2, 3 đủ điều kiện trúng tuyển. Ngược lại, với các trường tốp đầu dù đã tính đến tỷ lệ thí sinh không nhập học do đỗ các trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH hoặc có hướng đi khác song khó để dự đoán chính xác tỷ lệ thí sinh ảo.
Vì vậy, phải căn cứ vào số lượng học sinh trúng tuyển đã hoàn thành thủ tục xác nhận nhập học, các trường sẽ tổng hợp danh sách, đối chiếu với chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10 năm học 2025 - 2026 được Sở GDĐT Hà Nội giao để báo cáo sở. Sau ngày 13/7, Sở GDĐT Hà Nội mới có thể xem xét và quyết định cho phép một số trường tuyển sinh bổ sung và công bố rộng rãi.
Trước đó, mùa tuyển sinh năm 2024, Hà Nội có hơn 60 trường công lập hạ điểm chuẩn, trong đó có cả các trường hot như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, chu Văn An… Tuy nhiên, thông thường với các trường top trên, điểm chuẩn đợt 2 chỉ hạ từ 0,25 - 0,5 điểm trong khi nhiều trường khác hạ ở mức trên 1 điểm. Vì vậy, với các thí sinh có điểm thi thiếu ít so với điểm chuẩn công bố đợt 1 có thể cân nhắc việc chờ đợi hạ điểm chuẩn.
Một phương án khác so với các năm trước đó là năm nay Hà Nội dự kiến sẽ có thêm 3 trường THPT được đưa vào hoạt động, đủ điều kiện tuyển sinh bắt đầu từ năm học 2025 - 2026.
Cụ thể, 3 trường này nằm ở các phường Cầu Giấy, Hoàng Mai và xã Phúc Thịnh. Ngay sau khi có quyết định thành lập, Sở GDĐT Hà Nội sẽ xét duyệt bổ sung chỉ tiêu tuyển sinh đối với 3 trường mới này, dự kiến mỗi trường tuyển sinh 10 lớp (khoảng 450 chỉ tiêu).
Trước đó, tại Hội nghị hướng dẫn công tác coi thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025 - 2026, đại diện lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội đã thông tin phương án tuyển sinh được đưa ra cho 3 trường này là xét tuyển tràn tuyến theo khu vực. Tuy nhiên, phương án chính thức vẫn đang chờ Sở GDĐT Hà Nội công bố.
Như năm 2024, hai trường được phép xét tuyển bổ sung tràn tuyến có quy định cụ thể về học sinh đủ điều kiện xét tuyển khi không trúng tuyển bất cứ nguyện vọng công lập nào và có điểm xét tuyển theo quy định Sở công bố. Khi đó, học sinh có nguyện vọng xét tuyển bổ sung phải đăng ký trực tuyến trên cổng tuyển sinh đầu cấp của thành phố và chưa phải rút hồ sơ hay hủy xác nhận nhập học tại trường THPT tư thục hay trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... vì chưa có kết quả trúng tuyển. Sau khi có kết quả trúng tuyển, nếu học sinh có nguyện vọng nhập học mới thực hiện rút hồ sơ và hủy xác nhận nhập học tại trường khác (nếu có) để nhập học tại trường trúng tuyển bổ sung. Sở GDĐT cũng yêu cầu các trường tạo mọi điều kiện thuận lợi để học sinh rút hồ sơ, xác nhận nhập học vào trường mình mong muốn sau khi hạ chuẩn.
Lam Nhi