Theo Thông tư 30 của Bộ GD-ĐT ban hành mới đây, có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Với hình thức thi tuyển, các địa phương sẽ thống nhất thực hiện thi 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ 3 do Sở GD-ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Thông tư 30, một số địa phương đã công bố môn thi thứ 3 để học sinh có thời gian chuẩn bị.
Theo đó, Sở GD-ĐT TPHCM thông báo, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2025-2026 tại TP.HCM sẽ diễn ra với 3 môn thi gồm: Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ. Trong đó, hai môn Ngữ văn và Toán có thời gian làm bài 120 phút, riêng môn Ngoại ngữ có thời gian làm bài 90 phút. Thời gian diễn ra kỳ thi dự kiến vào đầu tháng 6/2025.
Ở khu vực phía Bắc, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương cũng vừa có thông báo về môn thi thứ ba kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026. Theo đó tỉnh này đã chọn môn thi thứ 3 là tiếng Anh.
Trước đó, năm học 2024 - 2025, 3 môn thi vào lớp 10 THPT công lập ở Hải Dương là Toán, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Trước khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 30, việc tuyển sinh lớp 10 do các Sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh quyết định về phương thức xét tuyển, số lượng môn thi (nếu tuyển sinh theo hình thức thi tuyển), cách tính điểm xét tuyển.
Sớm công bố môn thi thứ 3 để học sinh bớt áp lực trước kỳ thi nhiều điểm mới
Cô Nguyễn Phương Uyên, giáo viên THCS tại Hà Nội cho rằng, năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra theo chương trình GDPT mới, học sinh sẽ làm quen với đề thi và cấu trúc hoàn toàn mới. Đơn cử như với môn Ngữ văn, các ngữ liệu sẽ nằm ngoài SGK, đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề. Dù phương pháp kiểm tra đánh giá đã được làm quen trong quá trình kiểm tra thường xuyên, tuy nhiên với năm đầu tiên thi vẫn khó tránh khỏi những bỡ ngỡ. Do đó, cô Uyên đề xuất năm nay các Sở GD- ĐT nên sớm công bố môn thi thứ 3, nếu được, môn thi này nên là một môn thi như Tiếng Anh thay vì bài thi tổ hợp, tránh áp lực, quá tải cho thí sinh.
Thầy Đỗ Viết Tuân, giáo viên dạy Toán THCS-THPT tại Hà Nội cũng cho rằng, các địa phương nên sớm công bố môn thi thứ 3 sau khi kết thúc học kỳ 1, thay vì đợi đến 31/3.
Thầy Đỗ Viết Tuân cho rằng nên sớm công bố môn thi thứ 3 để học sinh có thời gian chuẩn bị, tránh bỡ ngỡ khi năm đầu tiên thi theo chương trình GDPT mới
“Để tránh tình trạng học sinh chểnh mảng các môn còn lại sau khi biết môn thi thứ 3 sớm, đề thi có thể ra theo tính liên môn. Ví dụ, trong đề thi Toán vẫn có những câu hỏi liên quan đến Địa lý, Hóa học, Vật lý. Hay trong quá trình kiểm tra đánh giá thường xuyên, giáo viên hoàn toàn có thể lồng ghép kiến thức các môn học khác nhau vào quá trình giảng dạy một cách thích hợp”, thầy Tuân nói.
Học sinh yên tâm bởi đề thi khó hay dễ cũng là chung toàn tỉnh/thành phố
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, theo phương án của Bộ GD-ĐT, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đã có 2 môn cố định là Toán và Ngữ văn - đây là những môn học cơ bản của 2 khối ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Môn thi thứ 3 sẽ được công bố hàng năm. Theo cô Thúy phương án này sẽ tránh tình trạng học sinh học lệch, chỉ tập trung vào những môn để thi.
“4 trụ cột của UNICEF đưa ra và Bộ GD-ĐT cũng như Hà Nội đang hướng đến là học để biết, học để làm người, học để chung sống, học để hòa nhập. Nhưng lâu nay học sinh vẫn có thói quen học để thi.
Mỗi kỳ thi đều có áp lực riêng, tuy nhiên, ngành giáo dục đang giảm tải bằng cách giảm số môn học, tăng cường về chất lượng đào tạo, tăng hiệu quả giáo dục toàn diện, phát triển năng lực phẩm chất học sinh”, cô Thúy nói.
Cô Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội)
Theo cô Nguyễn Thị Minh Thúy, việc thi 3 môn như trên phù hợp với định hướng của từng cấp học theo chương trình GDPT mới, cụ thể, ở cấp THCS vẫn cần giáo dục toàn diện để học sinh lắng nghe năng lực bản thân, từ đó có lựa chọn môn học cũng như định hướng nghề nghiệp khi vào THPT và các bậc học cao hơn.
“Một kỳ thi với nhiều điểm mới như tuyển sinh lớp 10 năm 2025 việc áp lực là khó tránh khỏi, nhưng những thay đổi đang hướng đến đánh giá năng lực phẩm chất, phù hợp với chương trình GDPT 2018, đổi mới thi cử. Năm đầu tiên thi cũng là năm thí điểm, trong bối cảnh đó, đề thi khó hay dễ cũng sẽ là chung cho học sinh thi năm đó, do vậy phụ huynh, học sinh có thể yên tâm. Nếu học tốt chương trình giáo dục cơ bản, đảm bảo phát triển năng lực theo cam kết đầu ra của chương trình, học sinh hoàn toàn có thể tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm tới”, cô Thúy đưa ra lời khuyên.
“Nếu lực học của con chỉ được khoảng 7 điểm, thì nên đặt mục tiêu được 7,5 điểm, khi con đạt được ngưỡng điểm này, bố mẹ nên khen con vì đã vượt được năng lực của chính mình. Không phải bằng bạn bè mới là giỏi, điều hạnh phúc nhất là vượt qua được những giới hạn của chính bản thân mình. Khi lựa chọn trường THPT, thí sinh cũng nên lựa chọn những trường phù hợp với năng lực bản thân. Hay khi đỗ nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, thí sinh cũng không nên cảm thấy tự ti vì trượt trường này trường kia. Các em cần hiểu rằng khi vào đúng trường phù hợp với năng lực bản thân quá trình học sẽ không bị quá căng thẳng, áp lực”, cô Thúy nói.
Lý giải về phương án thi tuyển sinh lớp 10 của Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết, yêu cầu của đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản. Trách nhiệm của các nhà trường khi dạy học cho học sinh ở cấp THCS là làm sao cho học sinh được học một cách toàn diện, được trang bị đầy đủ kiến thức phổ thông cơ bản làm nền tảng cho các em học tiếp các bậc cao hơn và định hướng nghề nghiệp tốt.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT)
Như vậy nếu quy định môn thứ 3 là cố định thì muốn hay không học sinh từ khi bắt đầu vào lớp 6 đã phải rất chăm chú, tập trung cho môn sẽ thi, ảnh hưởng đến thời gian và chất lượng học tập các môn học khác. Điều này dẫn tới học sinh học không được toàn diện, gây thiệt thòi cho học sinh trong việc tích lũy kiến thức, phát triển năng lực của bản thân để học lên các bậc học cao hơn cũng như tham gia vào thị trường lao động sau này.
Về quy định môn thi hoặc bài thi thứ ba được công bố sau khi kết thúc học kỳ I nhưng không muộn hơn ngày 31/3 hàng năm nhằm cân đối cho các em học sinh tập trung hoàn thành tất cả các môn học theo chương trình, nhưng vẫn có đủ thời gian để ôn luyện, chuẩn bị cả về kiến thức, tâm lý cho các môn dự thi, đảm bảo cân đối, công bằng giữa tất cả các địa phương trên cả nước để học sinh học tập và ôn thi.
Nguyễn Trang/VOV.VN