Không chỉ dừng ở công bố chỉ tiêu tuyển sinh, các trường còn xây dựng chương trình hiện đại, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp, đồng hành cùng sinh viên từ lúc nhập học đến khi có việc làm.
Ngành học mới hiện đại gắn với thực tiễn
Năm 2025, Trường ĐH Quy Nhơn mở rộng tuyển sinh cho 4 ngành công nghệ cao với tổng cộng 373 chỉ tiêu. Trong đó, ngành Trí tuệ nhân tạo tuyển 55 chỉ tiêu; ngành Công nghệ thông tin (chuyên ngành An toàn và An ninh mạng) tuyển 172 chỉ tiêu; ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông (Thiết kế vi mạch) tuyển 89 chỉ tiêu; ngành Vật lý kỹ thuật (Công nghệ gia công, đóng gói và kiểm thử vi mạch) tuyển 57 chỉ tiêu. Đây là những ngành nằm trong đề án phát triển nhân lực công nghệ cao của tỉnh đến năm 2030, được kỳ vọng sẽ cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho các lĩnh vực lõi của chuyển đổi số và công nghiệp bán dẫn.
Một buổi học lý thuyết trên lớp của sinh viên Trường Đại học Quy Nhơn. Ảnh: Hồ Điểm
Điểm đặc biệt của các ngành này là phương pháp đào tạo theo mô hình Project-based learning - học theo dự án, học qua trải nghiệm. Sinh viên được giao những bài toán thực tế từ DN, tự tìm lời giải, thiết kế sản phẩm và triển khai dưới sự hướng dẫn của giảng viên, chuyên gia. Ngoài ra, chương trình còn tích hợp các chứng chỉ nghề, kỹ năng mềm, ngoại ngữ và tư duy khởi nghiệp ngay từ năm thứ hai.
TS Đinh Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn, cho biết, trường sẽ tập trung phát huy những thế mạnh riêng trong đào tạo và nghiên cứu khoa học. Với hơn 51% trong đội ngũ giảng viên là tiến sĩ, phó giáo sư và giáo sư, nhà trường tự tin vào năng lực chuyên môn và khả năng triển khai các chương trình đào tạo chất lượng cao.
Cũng lựa chọn một hướng đi mới mẻ và đặc biệt, Trường ĐH Quang Trung mở chuyên ngành Trà học (ngành Quản trị kinh doanh) - kết hợp kiến thức quản trị kinh doanh với kỹ năng chuyên sâu về văn hóa trà, sản xuất, chế biến, marketing và thương mại quốc tế.
TS Võ Quế, Quyền Hiệu trưởng nhà trường, thông tin: Trong quá trình học, sinh viên được tiếp cận thực hành kỹ thuật sơ chế và chế biến các dòng trà như trà xanh, trà đen, trà Ô Long ngay tại phòng thí nghiệm và các cơ sở sản xuất lớn. Cùng với đó, các em được trang bị kỹ năng đánh giá chất lượng sản phẩm trà dựa trên tiêu chí cảm quan và phân tích hiện đại; rèn luyện khả năng nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu và triển khai chiến lược marketing đặc thù cho ngành trà.
Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm TP Hồ Chí Minh - Phân hiệu Gia Lai tuyển sinh 40 chỉ tiêu cho ngành Kỹ thuật môi trường. Đây là ngành được mở mới với sứ mệnh đào tạo nhân lực giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách ở Tây Nguyên: Suy thoái đất, ô nhiễm nguồn nước, xử lý chất thải, năng lượng sạch…
TS Trần Cao Bảo, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Chúng tôi chú trọng để sinh viên học đi đôi với hành. Sinh viên được trang bị kiến thức và kỹ năng về thiết kế, vận hành hệ thống xử lý nước và phân tích chất lượng; quản lý, xử lý chất thải rắn, lỏng; khai thác năng lượng bền vững từ mặt trời, gió… ; tham gia dự án thực tiễn, góp phần bảo vệ môi trường. Khi ra trường, các em hoàn toàn có khả năng lập báo cáo, tư vấn, quản lý và giám sát các dự án môi trường.
Nhà trường cam kết thực học, thực hành, thực nghiệp
Các trường đều chung một triết lý: Đào tạo gắn với thực tiễn, cam kết đồng hành với sinh viên từ lúc nhập học đến khi có việc làm; chuẩn đầu ra, sinh viên có kỹ năng nghề, khả năng ngoại ngữ, kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tiễn… Đây là những yếu tố then chốt mà DN thực sự cần.
Đào tạo gắn với thực tiễn sẽ giúp sinh viên sau khi ra trường dễ dàng tìm được công việc phù hợp. Ảnh: Hồ Điểm
Đại diện Trường ĐH Quang Trung cho biết khi ra trường, sinh viên có thể đảm nhận nhiều vị trí chuyên môn như: Kỹ sư sản xuất tại các nhà máy chế biến trà; chuyên viên kiểm định chất lượng và phát triển sản phẩm tại các cơ sở nghiên cứu và DN; marketing, truyền thông các thương hiệu trà; hướng dẫn viên và chuyên gia tổ chức trải nghiệm du lịch…
Trong khi đó, Trường ĐH Nông Lâm-Phân hiệu Gia Lai tập trung nhiều vào khả năng thích ứng của sinh viên với các dự án môi trường cụ thể.
TS Trần Cao Bảo cho biết thêm: Nhà trường mong muốn sinh viên trở thành những chuyên gia có trách nhiệm, không chỉ giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách mà còn góp phần xây dựng các chính sách và chiến lược dài hạn, hướng tới một tương lai bền vững, một nền kinh tế tuần hoàn, cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Trường ĐH Quy Nhơn cam kết hỗ trợ sinh viên về tài chính, học phí, chính sách học bổng, cơ hội thực tập, phát triển nghề nghiệp tại địa phương, trong nước và quốc tế. Cụ thể, sinh viên được vay vốn tín dụng từ Ngân hàng CSXH tỉnh để đóng học phí và được tỉnh hỗ trợ 100% lãi suất trong suốt thời gian học. Đặc biệt, nếu cam kết làm việc tại tỉnh tối thiểu 3 năm sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được tỉnh chi trả toàn bộ học phí.
Với cách tiếp cận chủ động, đột phá và gắn kết, những ngành học mới tại các trường không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp mà còn góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, bảo vệ môi trường và xây dựng xã hội bền vững.
HỒ THỊ ĐIỂM