Tuyển sinh ngành Y không cần môn Hóa, Sinh, thí sinh hoang mang

Tuyển sinh ngành Y không cần môn Hóa, Sinh, thí sinh hoang mang
19 giờ trướcBài gốc
Nhiều ngành tuyển sinh bằng tổ hợp lạ, không chưa môn chính liên quan ngành. Ảnh: Khương Nguyễn.
Chưa đến tuổi xét tuyển vào đại học, nhưng hàng tuần, Thanh Trúc, học sinh lớp 11 ở TP.HCM, vẫn giữ thói quen đọc tin tức tuyển sinh của các trường đại học để chuẩn bị cho năm học tiếp theo. Đối với nữ sinh, chuẩn bị sớm chưa bao giờ là thừa.
Mới đây, Trúc bất ngờ khi đọc được nhiều bài viết nói về việc một số trường đại học tuyển sinh ngành sư phạm nhưng không có môn chính liên quan đến ngành. Ví dụ, ngành Sư phạm Lý của Đại học Khánh Hòa xét tuyển các tổ hợp gồm Toán - Hóa - Anh và Toán - Hóa - Sinh. Môn Vật lý không hề xuất hiện trong tổ hợp xét tuyển.
“Em không hiểu lắm, nếu tuyển sinh mà không có môn chính của ngành, các trường sẽ ‘lọc’ thí sinh phù hợp như thế nào”, Thanh Trúc đặt câu hỏi.
Ngành Sư phạm Lý của Đại học Khánh Hòa tuyển sinh bằng 2 tổ hợp không có môn lý là B00 và D07.
Tuyển đủ tổ hợp nhưng không có môn chính
Không riêng Đại học Khánh Hòa, một số trường đại học khác cũng gây hoang mang khi tuyển sinh bằng tổ hợp lạ.
Điển hình, tại Đại học Đồng Tháp, nhiều ngành sư phạm tuyển sinh bằng tổ hợp không có môn chính, ví dụ như ngành Sư phạm Hóa xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Lý, Toán - Văn - Anh (không có môn Hóa), ngành Sư phạm Lý xét tuyển tổ hợp Toán - Văn - Anh, Toán - Văn - Hóa (không có môn Lý) và ngành Sư phạm Sinh lại dùng cả tổ hợp không có môn Sinh như Toán - Văn - Hóa.
Ngành Sư phạm Lý tại Đại học Thủ đô Hà Nội cũng tuyển sinh bằng tổ hợp không có môn Lý. Ngoại trừ tổ hợp C01 (Toán - Văn - Lý), các tổ hợp còn lại đều không có môn chính, cụ thể là D01 (Toán - Văn - Anh), C02 (Văn - Toán - Hóa) và C04 (Toán - Văn - Địa lý).
Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cũng gây chú ý khi sử dụng tổ hợp Toán - Văn - Anh - tổ hợp không có môn Lịch sử để xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử.
“Nối gót” sư phạm, các trường đào tạo y khoa cũng tuyển sinh bằng những tổ hợp được đánh giá là không liên quan ngành đào tạo. Ví dụ, Đại học Hòa Bình sử dụng tổ hợp Toán - Văn - Anh, Toán - Văn - Lý, Toán - Lý - Anh để tuyển sinh ngành Y khoa và Y học cổ truyền.
Tương tự, ngành Y khoa của Đại học Văn Lang cũng tuyển sinh bằng nhiều tổ hợp, nhưng chỉ một trong số đó có đủ môn Hóa học, Sinh học là Toán - Hóa - Sinh. Với các tổ hợp còn lại, thí sinh có thể dùng cả điểm Công nghệ, Tin học, Giáo dục kinh tế và pháp luật để đăng ký xét tuyển.
Môn Tiếng Anh cũng được đưa vào xét tuyển ở các trường đào tạo về y, ví dụ như Đại học Y dược Hải Phòng và Đại học Y dược (Đại học Thái Nguyên). Hai trường này đều cho phép thí sinh đăng ký xét tuyển bằng tổ hợp Toán - Hóa - Anh.
Thí sinh lo ngại những tổ hợp lạ sẽ khó đảm bảo chất lượng đầu vào. Ảnh minh họa: Duy Hiệu.
Khó đảm bảo chất lượng đầu vào
“Hoang mang”, “khó hiểu” là điều mà Thanh Trúc đề cập khi thảo luận về các tổ hợp xét tuyển của những trường đại học này. Dù không có ý định đăng ký xét tuyển vào các cơ sở giáo dục đại học nêu trên, nữ sinh vẫn lo cho chất lượng đào tạo ở các trường này.
Chia sẻ lý do, Trúc nói rằng sư phạm và y khoa là hai lĩnh vực “mũi nhọn”, luôn được đề cao về chất lượng đào tạo vì lực lượng lao động sau này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến xã hội. Nữ sinh sợ rằng nếu ở khâu đầu vào, các trường không lọc kỹ, các khóa đầu ra sẽ khó đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu xã hội
Đọc những bài viết giải thích lý do chọn tổ hợp “lạ” của các trường đại học, ví dụ như "có đam mê sẽ học được"..., Trúc vẫn thấy lời giải thích đó chưa thực sự thuyết phục. Nữ sinh tin rằng dù chất lượng đào tạo của trường tốt đến đâu, sinh viên vẫn cần có nền tảng nhất định liên quan ngành học mới có thể học tốt.
Thanh Trúc còn nói đối với học sinh, việc biết trước các tổ hợp xét tuyển là điều quan trọng để các em biết sắp xếp thời gian, dồn toàn lực để ôn tập. Trúc lấy ví dụ nếu các trường tuyển sinh mà không dùng môn học liên quan ngành đó, học sinh có thể sẽ trực tiếp bỏ qua môn này để ôn tập môn khác.
“Em không biết vì sao tuyển Sư phạm Lý mà lại dùng Toán - Văn - Anh. Bản thân em là người theo học khối D, mạnh ở 3 môn khối D, nhưng em đâu giỏi môn Vật lý. Lỡ như những học sinh như em đồng loạt đăng ký vào ngành Sư phạm Lý bằng tổ hợp không có môn Lý, nhà trường sẽ làm gì để đảm bảo tất cả sinh viên đều có thể theo kịp nội dung đào tạo?”, nữ sinh nêu quan điểm.
Chung suy nghĩ với Thanh Trúc, Lê Linh, sinh viên sư phạm tại một trường đại học ở TP.HCM, cũng nói rằng cô không đồng tình với việc tuyển sinh bằng các tổ hợp không thực sự với ngành đào tạo.
Là sinh viên sư phạm, hơn ai hết Linh hiểu sinh viên của ngành phải trải qua những nội dung đào tạo ra sao. Nếu không có nền tảng vững ngay từ đầu, sinh viên rất khó theo kịp chương trình.
“Hồi THPT, mình cũng là học sinh tốp đầu của lớp. Vậy mà lên đại học, khi vào chuyên ngành, mình vật vã với chính môn học từng là sở trưởng của mình. Nhiều lần, mình hoài nghi mình có thực sự học tốt môn đó hay không”, Linh chia sẻ.
Đứng ở góc độ của một sinh viên sắp ra trường, Linh lo lắng nếu các trường thực sự tuyển sinh viên bằng những tổ hợp không chứa môn chính. Ngoài vấn đề kiến thức, nền tảng học tập, cô còn lo những sinh viên đó sẽ không đủ đam mê, kiên nhẫn để theo đuổi ngành học đến cùng.
“Tuyển sinh Sư phạm Lý không dùng môn Lý, tuyển sinh ngành Y không dùng môn Hóa - Sinh cũng giống như cho con cá leo cây. Không nền tảng, không đam mê, không môi trường phù hợp, người học sẽ rất khó để đạt được thành công trong việc học”, Linh nói.
Thái An
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/tuyen-sinh-nganh-y-khong-can-mon-hoa-sinh-thi-sinh-hoang-mang-post1542562.html