Tuyển sư phạm Vật lý, Địa lý dùng cả tổ hợp xét không có môn này, ĐH nói gì?

Tuyển sư phạm Vật lý, Địa lý dùng cả tổ hợp xét không có môn này, ĐH nói gì?
3 ngày trướcBài gốc
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 sẽ chính thức diễn ra. Thời điểm hiện tại, phương thức và tổ hợp môn xét tuyển của các cơ sở giáo dục đại học nhận được sự quan tâm lớn.
Tuy nhiên, theo thông tin tuyển sinh, phương án tuyển sinh năm 2025 được đăng tải trên website một số cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhóm ngành sư phạm, không ít trường sử dụng tổ hợp xét tuyển không có môn học liên quan trực tiếp đến ngành gây nhiều tranh cãi.
Ví dụ, ngành Sư phạm Vật lý của Trường Đại học Khánh Hòa xét tuyển các tổ hợp Toán - Hóa học - Tiếng Anh và Toán - Hóa học - Sinh học, không có môn Vật lý.
Trong khi đó, tại Trường Đại học Thủ Đô Hà Nội, ngành Sư phạm Vật lý chỉ có 1 tổ hợp có môn Vật lý còn 3 tổ hợp xét tuyển còn lại là Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh, Toán - Ngữ văn - Hóa học, Toán - Ngữ văn - Địa lý.
Trong 4 tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Vật lý của Trường Đại học Thủ đô của có 1 tổ hợp có môn Vật lý là C01. (Ảnh chụp màn hình Phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của trường)
Trường Đại học Đồng Tháp xét tuyển nhiều ngành sư phạm không có môn chính trong tổ hợp xét tuyển như: Sư phạm Hóa học xét tuyển các tổ hợp: Toán - Ngữ văn - Vật lý, Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh; ngành Sư phạm Sinh học xét tuyển tổ hợp Toán - Ngữ văn - Hóa học; ngành Sư phạm Vật lý xét tuyển các tổ hợp không có môn Vật lý như: Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh, Toán - Ngữ văn - Hóa học.
Tổ hợp xét tuyển nhiều ngành sư phạm của Trường Đại học Đồng Tháp không có môn chính liên quan đến ngành học. (Ảnh chụp màn hình Thông tin tuyển sinh đại học chính quy năm 2025 của trường)
Hay Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên sử dụng tổ hợp Toán - Ngữ văn - Tiếng Anh để xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử.
Tổ hợp xét tuyển ngành Sư phạm Lịch sử của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên. (Ảnh chụp màn hình Thông báo về các phương thức xét tuyển đại học chính quy năm 2025 của trường)
Trường đại học lý giải tổ hợp xét tuyển không quan trọng bằng việc sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc ngành Sư phạm Vật lý có tới 3 tổ hợp không xét tuyển môn Vật lý, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết: “Với ngành Sư phạm Vật lý, chúng tôi xây dựng bốn tổ hợp xét tuyển, trong đó có một tổ hợp có môn Vật lý. Nhà trường quan niệm rằng kết quả học tập 4 năm của sinh viên phải đáp ứng được chuẩn đầu ra và yêu cầu về vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp mới là điều quan trọng.
Các bạn có thể thấy rằng trên thế giới không có những tổ hợp xét tuyển như thế này. Điều quan trọng là khi đỗ vào trường, sinh viên xác định được đam mê và thấy mình có năng lực trong lĩnh vực đó. Đồng thời, kết hợp với quá trình đào tạo của nhà trường các bạn có thể đáp ứng được chuẩn đầu ra, có thể đảm nhận được công việc sau này.
Còn đối với chuẩn đầu vào, những tổ hợp xét tuyển này chỉ là căn cứ để trường xem xét, đánh giá và phân loại người học, đáp ứng được các điều kiện của nhà trường, chứ không phải là điều kiện bắt buộc quan trọng khi xây dựng phương án tuyển sinh.
Bên cạnh đó, khi xây dựng phương án tuyển sinh, chúng tôi đã làm việc rất kỹ với các đơn vị chuyên môn. Nhà trường thực hiện mọi khâu kiểm tra, đánh giá từng học phần bài bản, hướng đến sinh viên phải đáp ứng được chuẩn đầu ra.
Tôi cho rằng chúng ta cũng nên thay đổi tư duy, cởi bỏ câu chuyện này để định hướng một nguồn nhân lực đáp ứng cho giai đoạn mới, với những yêu cầu mới của xã hội. Nếu hiện tại nhà trường đào tạo ra người học mà không có khả năng thích ứng với những biến động, thay đổi của xã hội và thời đại, thì chắc chắn nguồn nhân lực đó sẽ bị lạc hậu.
Tất nhiên, nếu thí sinh có kết quả tốt ở một lĩnh vực sẽ là cơ hội, bằng chứng cho thấy rằng họ có năng lực ở lĩnh vực đó, nhưng không phải là điều kiện quan trọng nhất”.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Hồng Cường - Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. (Ảnh: website nhà trường)
Trước đó, năm 2024, Trường Đại học Hải Dương tuyển sinh 20 chỉ tiêu ngành Sư phạm Địa lý với 4 tổ hợp xét tuyển gồm D01, C00, C04 và C20. Trong đó, tổ hợp xét tuyển D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh) không có môn Địa lý. Dù vậy, theo Tiến sĩ Đàm Văn Bắc, Trưởng phòng Đào tạo - Hợp tác quốc tế Trường Đại học Hải Dương, chất lượng đầu vào của sinh viên ngành Sư phạm Địa lý tại trường vẫn được đảm bảo.
“Riêng năm 2024, ngành Sư phạm Địa lý của Trường Đại học Hải Dương có điểm chuẩn cao nhất trường. Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông điểm chuẩn là 26,85 điểm, phương thức xét tuyển học bạ điểm chuẩn ngành này là 27,35 điểm. Chất lượng sinh viên sau một năm học tập rất tốt.
Trên cơ sở phân tích của phổ điểm 2023 và 2024, chúng tôi đang cố gắng để đảm bảo xây dựng tổ hợp xét tuyển phù hợp với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điểm chuẩn các ngành sư phạm sẽ dựa vào chỉ tiêu nhà trường được giao, nếu được giao nhiều, nhà trường có thể lấy điểm chuẩn thấp hơn, còn nếu chỉ được giao ít chỉ tiêu thì điểm chuẩn sẽ cao hơn”, Tiến sĩ Đàm Văn Bắc cho hay.
Mở rộng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nhưng liệu có đảm bảo chất lượng?
Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trong đó tăng số môn thi học sinh có thể lựa chọn.
Để bảo đảm cơ hội trúng tuyển cho học sinh đến từ các vùng, miền khác nhau, quy chế bỏ yêu cầu chương trình đào tạo, mỗi ngành, mỗi chương trình có tối đa 4 tổ hợp xét tuyển; không giới hạn số tổ hợp xét tuyển.
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ) cho rằng nên có môn chính liên quan đến ngành đào tạo trong tổ hợp môn xét tuyển để đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng không nên là rào cản.
“Việc tổ hợp môn xét tuyển phải có môn chính liên quan trực tiếp đến ngành học là một cách tiếp cận truyền thống nhằm đảm bảo thí sinh có nền tảng kiến thức phù hợp với ngành đào tạo.
Điều kiện tổ hợp môn xét tuyển có môn chính liên quan trực tiếp đến ngành học là cần thiết để đảm bảo chất lượng đào tạo, nhưng không nên là một rào cản quá cứng nhắc, đặc biệt trong thời đại 4.0, khi nhiều ngành nghề đang có sự giao thoa giữa các lĩnh vực.
Việc xét tuyển theo tổ hợp cần có sự linh hoạt để thích ứng với sự thay đổi của thời đại nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng đầu vào, từ đó tạo ra đội ngũ nhân lực có năng lực và tư duy sáng tạo trong tương lai”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhận định.
Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương. (Ảnh: website nhà trường).
Với việc tuyển sinh ngành sư phạm, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương cho rằng quyền tự chủ trong lựa chọn tổ hợp xét tuyển thuộc về các trường đại học. Dù vậy, việc xét tuyển ngành sư phạm mà không có môn chính trong tổ hợp xét tuyển có thể dẫn đến những hệ lụy về chất lượng đầu vào cũng như động lực học tập của thí sinh. Để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai, công tác tuyển sinh ngành sư phạm cần có những tiêu chí chặt chẽ hơn.
“Tại Trường Đại học Hùng Vương, việc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cho các ngành đào tạo được hội đồng tuyển sinh xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố nhằm vừa đảm bảo chất lượng đầu vào, vừa tạo cơ hội tốt nhất cho thí sinh. Cụ thể, trường luôn chú trọng đến tính phù hợp của tổ hợp xét tuyển với ngành đào tạo, đảm bảo tổ hợp này phản ánh được năng lực cần thiết để sinh viên theo học. Đồng thời, nhà trường cũng đặt ra các tiêu chí công bằng, linh hoạt nhằm tạo điều kiện cho nhiều thí sinh có năng lực phù hợp tham gia xét tuyển.
Bên cạnh đó, quá trình tuyển sinh, nhà trường luôn tuân thủ các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cũng như dựa trên phân tích dữ liệu tuyển sinh của các năm trước để điều chỉnh tổ hợp xét tuyển một cách hợp lý, đảm bảo lựa chọn được những thí sinh có năng lực tốt nhất.
Đặc biệt, tất cả các ngành xét tuyển tại trường đều áp dụng tiêu chí phải có môn chính liên quan trực tiếp đến ngành học trong tổ hợp xét tuyển nhằm đảm bảo thí sinh không chỉ có đủ năng lực mà còn thực sự đam mê với ngành học mà mình theo đuổi”, Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh nhấn mạnh.
Sinh viên Trường Đại học Hùng Vương. (Ảnh: website nhà trường)
Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Đàm Văn Bắc cho biết, nhà trường sẽ xây dựng tổ hợp xét tuyển năm 2025 dựa trên Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06 tháng 6 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Đối với Trường Đại học Hải Dương, chúng tôi sẽ lựa chọn tổ hợp xét tuyển tất cả các ngành đều có một môn Toán hoặc một môn Ngữ văn theo đúng nội dung Thông tư số 06/2025/TT-BGDĐT. Nhà trường không căn cứ vào các tiêu chí phụ mà căn cứ vào phổ điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở hai năm gần nhất là năm 2023 và 2024, rồi sau đó mới xây dựng các tổ hợp xét tuyển.
Trong tổ hợp, theo đúng Thông tư 06, bắt buộc phải có một trong hai môn Toán hoặc Ngữ văn. Nhà trường sẽ căn cứ vào đó để xây dựng, ví dụ như dùng tổ hợp Toán, Vật lý, Hóa học cho ngành Sư phạm Toán hoặc là Toán, Hóa học, Sinh học cho ngành Sư phạm Sinh học. Còn với Sư phạm Tiếng Anh thì đương nhiên bắt buộc phải có Ngữ văn, Tiếng Anh và Toán thành một tổ hợp”.
Đình Nam
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/tuyen-su-pham-vat-ly-dia-ly-dung-ca-to-hop-xet-khong-co-mon-nay-dh-noi-gi-post250198.gd