Giá vé điều chỉnh từ 6.000 đến 20.000 đồng mỗi lượt, tùy vào hình thức thanh toán và quãng đường di chuyển
Thông tin về giá vé đã được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TP.Hồ Chí Minh xem xét, trong đó có điều chỉnh so với mức dự thảo năm ngoái. Cụ thể, hành khách mua vé lượt trả tiền mặt sẽ cần chi trả từ 7.000 đồng đến 20.000 đồng mỗi chuyến, tùy theo quãng đường di chuyển. Với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, giá vé sẽ giảm nhẹ, dao động từ 6.000 đồng đến 19.000 đồng. Vé tháng không giới hạn số lượt đi có giá 300.000 đồng/người, tăng 40.000 đồng so với phương án trước. Học sinh và sinh viên được giảm 50%, chỉ còn 150.000 đồng/tháng. Ngoài ra, metro cũng cung cấp các loại vé ngày với giá 40.000 đồng và vé ba ngày giá 90.000 đồng.
Để khuyến khích người dân trải nghiệm phương tiện công cộng mới, trong 30 ngày đầu khai thác, hành khách đi Metro số 1 sẽ được miễn phí vé trên tuyến metro này và 17 tuyến buýt kết nối. Dự kiến, ngân sách thành phố sẽ chi khoảng 33 tỷ đồng cho phương án này.
Sở Giao thông Vận tải cho biết, phương án giá vé được xây dựng dựa trên khả năng chi trả của phần lớn người dân, đồng thời so sánh với các phương tiện như Metro Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) và xe buýt, nhằm tăng tính cạnh tranh với phương tiện cá nhân và thu hút người dùng.
Tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên dài gần 20 km, với tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, kết nối trung tâm TP.HCM với cửa ngõ phía Đông. Tuyến có 11 ga trên cao và 3 ga ngầm. Sau 12 năm khởi công và nhiều lần gia hạn, tuyến tàu điện này hiện đang bước vào giai đoạn chạy thử, với tần suất các chuyến giãn cách khoảng 4 phút 30 giây.
Giai đoạn thử nghiệm kéo dài đến ngày 17/11, các nhân viên sẽ thực hiện 47 kịch bản khác nhau, bao gồm tình huống khẩn cấp như cháy nổ, mất điện, ngập nước, và mất tín hiệu để đảm bảo an toàn trước khi vận hành chính thức.
Trong khi đó, Hà Nội cũng vừa đưa đoạn trên cao của tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội vào vận hành từ ngày 8/8. Đoạn này dài 8,5 km, với 8 ga trên cao và dự kiến toàn tuyến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Với giá vé 8.000 đồng/lượt, cả tuyến 12.000 đồng/lượt, vé trong ngày không hạn chế số lượt 24.000 đồng. Vé tháng có giá 200.000 đồng, thấp hơn so với TP.HCM.
Hà Nội cũng đã lên phương án kết nối bằng xe buýt, với 36 tuyến xe buýt dọc trục Nhổn - ga Hà Nội. Trong đó, 33 tuyến được trợ giá và 3 tuyến không trợ giá, cùng với 32 điểm dừng dọc tuyến.
Dự án đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn - ga Hà Nội, có tổng chiều dài 12,5 km, bao gồm 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Phần trên cao dài 8,5 km, từ Nhổn đến Cầu Giấy, còn đoạn đi ngầm 4 km kết nối từ Cầu Giấy đến ga Hà Nội. Khởi công từ năm 2009 và ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2015, dự án đã trải qua nhiều lần gia hạn. Đến tháng 8 năm nay, đoạn trên cao chính thức đi vào vận hành thương mại, còn toàn bộ tuyến dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2027.
Cẩm Vân