Tuyệt đối không làm thay, không buông lỏng sự lãnh đạo

Tuyệt đối không làm thay, không buông lỏng sự lãnh đạo
3 giờ trướcBài gốc
Mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài viết "Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới".
Những thông điệp quan trọng trong bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, đặc biệt là 4 công tác trọng tâm để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đã được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ngày càng được khẳng định và đổi mới; định hình rõ hơn và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Ảnh Hội nghị Trung ương 10.
Sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của nhân dân ta luôn luôn vận động, phát triển khách quan cho phù hợp với tình hình, bối cảnh mới. Việc phải tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng là một đòi hỏi, yêu cầu khách quan, bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh và hoàn thành tốt sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến bến bờ thắng lợi.
Đảng ngày càng khẳng định vai trò lãnh đạo, cầm quyền
Mở đầu bài viết, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: Trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền.
Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Qua mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại kiểm điểm, đánh giá và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng. Minh chứng là, Hội nghị Trung ương 5 khóa 10, Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 15 ngày 30/7/2007 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị.
Trên cơ sở tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10, Hội nghị Trung ương 6 khóa 13 ban hành Nghị quyết số 28 ngày 17/11/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.
Các đại biểu dự Hội nghị Trung ương 10.
Vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với Nhà nước và xã hội ngày càng được khẳng định và đổi mới. Qua đó, định hình rõ hơn và bảo đảm thực hiện trong thực tiễn cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”.
Dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử qua 40 năm đổi mới.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm khẳng định: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng để đưa dân tộc tiếp tục tiến lên đang đặt ra cấp bách”.
Không bảo thủ, trì trệ, giáo điều, cản trở sự phát triển của đất nước
Để tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, đảm bảo Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Tô Lâm đã đề ra 4 công tác trọng tâm, phải thực hiện trong thời gian tới.
Bốn công tác trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu ra trong bài viết là đầy đủ, toàn diện, đồng bộ trên tất cả các phương diện đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cho phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi trong thực tiễn.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”.
Định hướng “tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng” có ý nghĩa to lớn, cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Bởi vì, bên cạnh những thành tựu to lớn, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn những hạn chế.
Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, mô hình tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị vẫn còn những bất cập, làm cho ranh giới giữa lãnh đạo và quản lý khó phân định, dễ dẫn đến bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng.
Thực tế vẫn còn tình trạng “bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng”.
Thời gian qua, một số tổ chức Đảng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo đến mức phải xử lý kỷ luật.
Kỳ họp 47 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Chẳng hạn như tại kỳ họp 47 mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025.
Lý do, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang nhiệm kỳ 2020-2025 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo liên quan đến dự án Cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (gói thầu số 4 do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An thực hiện).
Tương tự, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cũng đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi các nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 cũng với lý do vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo liên quan đến việc tổ chức thực hiện một số dự án, gói thầu do Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn thực hiện.
Bên cạnh đó, nhiều nội dung, nhiệm vụ nhằm đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đã được Đảng đề ra trong nhiều nhiệm kỳ nhưng đến nay trong thực tiễn thực hiện chưa thực sự có hiệu quả.
Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu chưa thực sự “tiên phong gương mẫu, thường xuyên tự phê bình và phê bình”.
Việc “thể chế hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước” chưa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, còn chồng chéo.
Việc “giới thiệu đại biểu ưu tú vào bộ máy nhà nước” còn chưa đúng và trúng, dẫn đến tình trạng chọn không đúng cán bộ, một số cán bộ lãnh đạo quản lý, kể cả cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật…
Những hạn chế này là một thực tế, đang tồn tại khách quan. Do vậy, càng đòi hỏi cấp bách phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng.
Thực tiễn luôn vận động, phát triển, nên nhận thức là quá trình, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng cũng phải dần từng bước, không nóng vội chủ quan, duy ý chí, nhưng cũng không bảo thủ, trì trệ, giáo điều, cản trở sự phát triển của đất nước.
Chính vì vậy mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm yêu cầu phải thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Thời gian tới, chúng ta cần quán triệt sâu sắc, để thống nhất nhận thức và hành động quyết liệt trong thực tiễn, thì phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới mạnh mẽ; năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng được nâng cao; sự nghiệp cách mạng, công cuộc đổi mới của dân tộc, của nhân dân sẽ giành được những thành tựu to lớn hơn nữa.
Đứng trước thời cơ, giai đoạn lịch sử mới, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng cũng cần đổi mới để đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn.
Với sự vận động, phát triển không ngừng của Đảng, đất nước ta sẽ tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, không ngừng phấn đấu, đóng góp nhiều hơn nữa duy trì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực và trên thế giới.
"Thực tế hiện nay, có một số bí thư cấp ủy nhiều khi quyết hết cả những công việc của UBND. Ví dụ như các dự án thì Đảng chỉ cho chủ trương, còn quyết định đầu tư ai làm, ai tiến hành, tổ chức đấu thầu như thế nào thì để UBND làm. Nhưng có một số bí thư tỉnh ủy ký luôn cả vấn đề đầu tư các dự án, như thế là làm thay. Tình trạng này thường xảy ra với các nhân sự trước khi được bầu làm bí thư đã trải qua chức Chủ tịch UBND nên khi sang làm bí thư cấp ủy thì dễ có tình trạng bao biện, làm thay vai trò của chính quyền, tức là nhầm vai. Còn trường hợp buông lỏng thì lại xảy ra với những bí thư cấp ủy chưa có kinh nghiệm, năng lực nhiều khi chưa ngang tầm nhiệm vụ. Vì vậy, nhiều trường hợp cái gì cũng giao hết cho chính quyền. Tình trạng bao biện, làm thay hoặc buông lỏng vai trò lãnh đạo của Đảng là vấn đề đặt ra cần phải nhận thức rõ. Trong các bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gần đây cũng nhiều lần nhấn mạnh đến việc “đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương không thể “ba đầu, sáu tay” làm thay địa phương; cấp trên không thể bao biện, làm thay cấp dưới, nên phải phân cấp, phân quyền mạnh mẽ như tinh thần Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu."- PGS.TS. Nguyễn Viết Thông – nguyên Tổng Thư ký kiêm Ủy viên thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương.
Theo PGS.TS. Vũ Văn Phúc/ Báo Vietnamnet
Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống : https://kienthuc.net.vn/chinh-tri/tuyet-doi-khong-lam-thay-khong-buong-long-su-lanh-dao-2039155.html