Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (bên trái) thăm khám cho bệnh nhân.
Những điều tuyệt đối không nên làm
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, cách hiệu quả nhất để phòng bệnh cúm mùa là tiêm vaccine đầy đủ, đúng lịch, vaccine cúm đã được chứng minh an toàn, hiệu quả và đã được sử dụng trong hơn 60 năm qua.
Thạc sĩ, bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Giám Đốc Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết trên báo Nhân dân, cúm mùa có thể nói có "độc lực thấp" nên thường chỉ gây bệnh cảnh cúm nặng ở những người có yếu tố nguy cơ cao (Người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai 3 tháng cuối, người có bệnh lý nền hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch...).
"Mọi người không phải quá hoang mang lo lắng về cúm mùa, nhưng cũng không nên chủ quan, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ nhiễm cúm nặng", bác sĩ Khiêm nói.
Vì biểu hiện cúm rất khó phân biệt với các biểu hiện nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các căn nguyên khác, nhưng việc chẩn đoán được sớm, dùng thuốc kháng virus phù hợp có thể ngăn ngừa nguy cơ nhiễm nặng và thậm chí tử vong cho nhiều người.
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm khuyến cáo, những người có bệnh lý nền cần hết sức lưu ý, khi có biểu hiện sốt, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi nên được đi khám sàng lọc cúm và đánh giá và cân nhắc cho dùng thuốc kháng virus cúm sớm để ngăn ngừa nguy cơ nhiễm cúm nặng. Nếu để đến lúc nặng rồi mới đi viện khám, điều trị tốn kém và khó khăn.
Bác sĩ Khiêm lưu ý, mọi người không tự ý mua kháng sinh dùng vì kháng sinh không có tác dụng với cúm mà có nhiều tác hại trong trường hợp này.
Bên cạnh đó, mọi người không tự ý mua thuốc kháng virus uống, điều này có thể gây tốn kém không cần thiết, có thể làm khan hiếm thuốc gây khó khăn cho người có chỉ định cần, hoặc gây gia tăng đề kháng thuốc. Thuốc kháng virus chỉ có lợi những người có nguy cơ nhiễm cúm nặng, những người có biểu hiện nhiễm cúm nặng.
Nên tiêm phòng ngừa cúm hàng năm đặc biệt là người có tuổi, có bệnh nền tim mạch, hô hấp, tiểu đường, xơ gan, suy giảm miễn dịch...
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm cũng khuyến cáo với các đồng nghiệp, xét nghiệm test nhanh cúm thường có độ nhạy tương đối thấp, vì vậy ngay cả khi thấy người bệnh có kết quả test nhanh âm tính với cúm cũng không nên bỏ qua cúm, đặc biệt là với "bệnh nhân có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp và có suy hô hấp" hoặc "bệnh nhân có yếu tố nguy cơ nhiễm cúm nặng".
Dinh dưỡng cho người bệnh cúm
Người bệnh nên xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và phù hợp với thể trạng. Khi bị cúm nên lưu ý:
Cung cấp đủ nước cho cơ thể: Uống đủ 2l nước/ngày và ăn nhiều trái cây, rau xanh, sử dụng thêm các loại nước có bổ sung chất điện giải để cung cấp thêm natri và kali.
Ăn thực phẩm dễ nuốt: Khi cơ thể bị cúm, người bệnh thường không có cảm giác thèm ăn, lúc này cháo, súp hay các thực phẩm loãng sẽ giúp người bệnh dễ ăn mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng.
Ăn thực phẩm nhiều kẽm: Kẽm có nhiều trong các loại thực phẩm như tôm, hàu, thịt bò, sò, ngũ cốc, yến mạch,… giúp người bệnh cúm chóng phục hồi sức và cải thiện hệ miễn dịch.
Các loại rau củ quả: Bệnh nhân cúm cần được bổ sung nhiều loại rau của trong bữa ăn, đặc biệt là các loại rau có màu đậm như: Cải bó xôi, cải xoăn, súp lơ…
Bên cạnh những thực phẩm có lợi cũng có không ít những thực phẩm gây hại và làm trầm trọng thêm các triệu chứng của cúm. Người bệnh nên tránh một số sản phẩm sau:
Các thực phẩm chế biến sẵn: Thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ ăn chiên xào gây khó tiêu, dễ khiến người bệnh buồn nôn. Hơn nữa, những thực phẩm này không chứa nhiều chất dinh dưỡng.
Các loại đồ uống chứa cồn, chất kích thích như soda, rượu, cà phê… cũng gây mất nước và dễ làm giảm hệ thống miễn dịch ở người bị cúm.
Các thực phẩm cứng sẽ có khả năng gây khó tiêu và làm nặng thêm các cơn ho, đau họng, vì vậy bệnh nhân cúm cũng nên tránh xa.
Bảo Vy (t/h)