TVS: VN-Index có thể đạt 1.400 điểm, hai nhóm ngành được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường năm 2025

TVS: VN-Index có thể đạt 1.400 điểm, hai nhóm ngành được kỳ vọng sẽ dẫn dắt thị trường năm 2025
6 giờ trướcBài gốc
Trong năm 2024, thị trường chứng khoán Việt đã trải qua nhiều biến động và kết thúc năm ở mức 1.266 điểm, tương ứng tăng 12,1%. Trong đó, hầu hết các nhóm ngành đều có mức tăng tốt hơn chỉ số chung, ngoại trừ nhóm Bất động sản và Dịch vụ tài chính. Đặc biệt, lĩnh vực tăng mạnh nhất là nhóm Hàng và dịch vụ công nghệ với mức tăng trưởng 82%, tiếp theo là nhóm Công nghệ thông tin với mức tăng 80%.
Đánh giá về diễn biến thị trường, các chuyên gia phân tích từ CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS) cho biết, sau khi nối tiếp đà hồi phục đến tháng 3/2024, thị trường đã chững lại và đi ngang do thanh khoản giảm mạnh, ảnh hưởng bởi một số yếu tố.
Các tác động có thể kể đến là lực bán của khối ngoại tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt trước thềm bầu cử Tổng thống Mỹ; tỷ giá VND/USD tăng 5% trong năm 2024; sự can thiệp của NHNN thông qua OMO kéo theo tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư cá nhân; các kênh đầu tư như vàng, tiền số tăng mạnh cùng mặt bằng lãi suất huy động bắt đầu tăng trong năm 2024 cũng là yếu tố khiến dòng tiền rút khỏi thị trường.
Bước sang năm 2025, với bối cảnh kinh tế vĩ mô Việt Nam tiếp tục tăng trưởng tốt, TVS cho rằng đây sẽ là động lực chính để VN-Index có thể đạt được vùng mục tiêu 1.380 - 1.400 điểm, cùng với lợi nhuận toàn thị trường tăng 16,2% và P/E cuối năm đạt 12,5 lần.
Ngoài ra, các chuyên gia nhận định, dòng tiền khối ngoại có thể quay lại thị trường chứng khoán Việt Nam trong trường hợp được nâng hạng vào kỳ đánh giá tháng 9/2025. Theo đó, cơ chế prefunding được giải quyết sẽ giúp đáp ứng các tiêu chí đánh giá nâng hạng của FTSE Russell.
Bên cạnh đó, nếu hệ thống KRX được triển khai trong năm 2025 sẽ giúp cải thiện thời gian thanh toán, nâng cao chất lượng của hệ thống giao dịch và góp phần gia tăng sản phẩm trên thị trường chứng khoán.
Thị trường còn có thể được hỗ trợ từ các thông tin vĩ mô khác như, xu hướng giảm lãi suất trên thế giới vẫn tiếp tục trong năm 2025, VND chỉ có thể mất giá khoảng 3% so với USD do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giảm lãi suất và nguồn cung USD được cải thiện...
Tuy nhiên, dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước có thể sẽ bị hạn chế từ việc ông Trump lên nắm quyền sẽ thúc đẩy thị trường tiền số, từ đó kéo theo một phần dòng tiền dịch chuyển sang các loại tài sản này. Ngoài ra, mặt bằng lãi suất huy động có thể sẽ tăng thêm khoảng 0,5% so với cuối năm 2024 do nhu cầu vốn đáp ứng giải ngân tín dụng tăng cao tại các ngân hàng thương mại bởi tỷ lệ cho vay/tiền gửi (LDR) đang ở mức cao và áp lực từ tỷ giá.
Để thị trường chứng khoán năm 2025 đạt mức tăng trưởng 16,2%, các chuyên gia TVS cho rằng phải có sự đóng góp chính từ 2 nhóm ngành là Ngân hàng và Bất động sản.
Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, lợi nhuận tăng nhờ tín dụng tăng trưởng ổn định. Dòng tiền từ giải ngân đầu tư công cùng với nhu cầu vay tiêu dùng phục hồi sẽ là những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng tín dụng toàn ngành.
Đối với nhóm bất động sản, bất động sản dân cư được dự đoán sẽ phục hồi mạnh về lợi nhuận. Nguyên nhân là bởi các chính sách pháp lý mới như Luật Đất đai sửa đổi và Nghị quyết 171/2024/QH15, giúp đẩy nhanh tiến độ pháp lý của các dự án tại TP.HCM và Hà Nội, từ đó cải thiện nguồn cung căn hộ mới. Mảng bất động sản khu công nghiệp cũng được đánh giá khả quan, sẽ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng tốt trong năm 2025, nhờ dòng vốn FDI giải ngân ổn định và nhu cầu mở rộng sản xuất từ các nhà đầu tư.
Qui ÁNh
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/tvs-vn-index-co-the-dat-1400-diem-hai-nhom-nganh-duoc-ky-vong-se-dan-dat-thi-truong-nam-2025-post363324.html