Hiện nay, trên địa bàn TX. Cai Lậy có 15 HTX đang hoạt động với hơn 6.200 thành viên; trong đó, có 3 HTX phi nông nghiệp và 12 HTX nông nghiệp. Bên cạnh đó, thị xã còn có 17 THT với hơn 5.300 thành viên.
TX. Cai Lậy quan tâm, tạo điều kiện để các HTX trên địa bàn tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ảnh: T. ĐẠT
Từ năm 2023, thực hiện kế hoạch của Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) TX. Cai Lậy, lãnh đạo UBND TX. Cai Lậy cùng với các ngành, như: Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp, Đảng ủy, UBND các xã đã đi khảo sát và làm việc với từng HTX nông nghiệp trên địa bàn. Nội dung tập trung vào việc củng cố nhân sự, phương án sản xuất. kinh doanh.
Trong đó, địa phương chú trọng hướng dẫn các HTX mở rộng ngành nghề kinh doanh, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong việc xây dựng, thiết lập mã số vùng trồng, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên… Sau khảo sát, UBND TX. Cai Lậy có thông báo kết luận, giao nhiệm vụ cụ thể cho Đảng ủy, UBND cấp xã, các ngành trong việc củng cố HTX nông nghiệp.
Định kỳ 2 tháng/lần, ngành Tài chính - Kế hoạch, Kinh tế tổ chức làm việc với UBND các xã và HTX nông nghiệp yếu trên địa bàn; trong đó, yêu cầu HTX phải có phương án hoạt động cụ thể, có doanh thu để hướng dẫn HTX tập trung những việc cần làm trong năm 2024 và giai đoạn 2024 - 2025.
TX. Cai Lậy đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ củng cố toàn diện hoạt động của các HTX đảm bảo hoạt động theo đúng Luật HTX. Địa phương phấn đấu đến cuối năm 2025, 100% HTX trên địa bàn đều hoạt động có hiệu quả; nâng số lượng thành viên đạt theo tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao; 100% HTX đạt loại khá trở lên; 30% - 40% bộ máy quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu hoạt động của HTX; 60% HTX nông nghiệp gắn hoạt động với chuỗi giá trị.
Bên cạnh đó, thời gian qua, TX. Cai Lậy đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ HTX. Theo đó, địa phương đã đăng ký và được công nhận hỗ trợ cấp chứng nhận VietGAP cho 10 HTX, với tổng diện tích hơn 253,9 ha, gồm: 4 HTX trồng lúa, 1 HTX trồng nhãn, 1 HTX trồng mít, 3 HTX trồng sầu riêng.
Về đăng ký nhu cầu hỗ trợ kết cấu hạ tầng, thị xã đã hỗ trợ HTX Nông nghiệp Phú Quý và HTX Long Khánh với tổng kinh phí 2 tỷ đồng để xây dựng nhà kho; trong đó, kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ 1,6 tỷ đồng, kinh phí đối ứng 600 triệu đồng. Khó khăn hiện nay là HTX chưa thực hiện xong thủ tục thuê đất.
Song song đó, TX. Cai Lậy còn tích cực hỗ trợ các HTX trong việc cấp mã số vùng trồng (MSVT). Theo đó, trong năm 2023, thị xã đã đề nghị và được kiểm tra cấp MSVT nội địa trên lúa với diện tích 257,31 ha của HTX Nông nghiệp Mỹ Phước Tây.
Đồng thời, đăng ký và được kiểm tra cấp MSVT mít xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho 6 HTX với diện tích 203,5 ha, cấp MSVT sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cho HTX Nông sản và Du lịch Long Khánh diện tích 24,9 ha. Đối với các HTX có MSVT đã được phê duyệt, địa phương hỗ trợ HTX liên kết với các doanh nghiệp có mã số cơ sở đóng gói thu mua sản phẩm với giá cao và ổn định hơn…
Ngoài ra, thị xã còn phối hợp với các ngành liên quan tập huấn với các nội dung như: Tư vấn quy định pháp luật về HTX; bồi dưỡng nguồn nhân lực; chủ trương, chính sách về liên kết tiêu thụ, định hướng thị trường; giới thiệu kết nối với các đơn vị cung ứng đầu vào và đầu ra trong sản xuất sầu riêng.
Địa phương còn hỗ trợ các HTX mở rộng lĩnh vực hoạt động kinh doanh nhằm tăng doanh thu, lợi nhuận với các hoạt động khác như: Cung cấp nước sinh hoạt, quản lý kinh doanh chợ, hoạt động về duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa cầu đường, quản lý thông thoáng lòng sông, kinh, rạch... phù hợp với năng lực từng HTX.
PHÁT TRIỂN HTX GẮN VỚI TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
Theo UBND TX. Cai Lậy, trong thời gian tới, thị xã sẽ tiếp tục đưa KTTT, nòng cốt là HTX thực sự là thành phần kinh tế quan trọng tại địa phương. Việc phát triển KTTT gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Các HTX tích cực hỗ trợ thành viên phát triển kinh tế. Ảnh: T. ĐẠT
TX. Cai Lậy sẽ tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT; khuyến khích và tạo điều kiện phát triển KTTT từ thấp đến cao phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực, góp phần tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân. Địa phương sẽ tập trung củng cố, đổi mới và phát triển KTTT theo chiều sâu trên cơ sở đảm bảo các nguyên tắc và giá trị HTX theo Luật HTX.
Phó Chủ tịch UBND TX. Cai Lậy Đoàn Bảo Ngoan cho biết, khó khăn hiện nay trong phát triển KTTT tại địa phương là bộ máy nhân sự của các HTX không có đội ngũ trẻ kế thừa. Bộ máy quản lý đa số là lớn tuổi, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng khoa học - kỹ thuật có giới hạn… Do vậy, để các HTX hoạt động tốt trong thời gian tới, thị xã sẽ tập trung củng cố nhân sự.
UBND TX. Cai Lậy sẽ chỉ đạo UBND các xã phối hợp với các HTX xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý năng động, có chuyên môn kỹ thuật để cùng cán bộ quản lý cũ kiện toàn, củng cố, xây dựng phương án hoạt động mang tính khả thi, đem lại lợi ích cho thành viên HTX.
Tới đây, địa phương phấn đấu cán bộ quản lý HTX phải có trình độ từ trung cấp trở lên, cán bộ chuyên môn phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với ngành nghề kinh doanh của từng đơn vị.
Thị xã sẽ gắn phát triển sản phẩm OCOP với hoạt động của HTX. Điều này nhằm giúp các HTX hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định. Đồng thời, tập trung phát triển thêm thành viên, đảm bảo mỗi HTX có trên 100 thành viên.
Thị xã cũng phấn đấu các HTX phải có dự án liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đảm bảo các HTX có lợi nhuận trước thuế từ 50 triệu đồng/năm trở lên và lợi ích mang lại cho thành viên phải đạt mức tối thiểu 100 triệu đồng/năm. Để hoàn thành mục tiêu này, địa phương sẽ rà soát, đăng ký thêm các kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho các HTX còn lại trên địa bàn.
Cũng theo đồng chí Đoàn Bảo Ngoan, TX. Cai Lậy sẽ tiếp tục tập trung củng cố các HTX yếu kém; nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX trên cơ sở phát huy nội lực gắn với việc huy động các nguồn lực bên ngoài.
Một trong những giải pháp quan trọng là mở rộng ngành nghề, phạm vi hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, giới thiệu các HTX tham gia các dự án chuyển giao khoa học công nghệ, áp dụng kỹ thuật mới vào trong sản xuất như: Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP; đăng ký MSVT, mã số cơ sở đóng gói…
Thị xã sẽ tiếp tục phối hợp với Chi cục Phát triển nông thôn, Liên minh HTX tỉnh tổ chức tuyên truyền các văn bản mới của Trung ương, các chủ trương, chính sách về phát triển HTX. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân về phát triển chuỗi giá trị và vai trò của HTX nông nghiệp trong liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; giới thiệu kết nối với các đơn vị cung ứng đầu vào và đầu ra; học tập kinh nghiệm các mô hình hay, hiệu quả.
HÀ NAM - A.T