Chỉ số DXY đã tăng đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2024
Fed trì hoãn giảm lãi suất, USD duy trì sức mạnh
Năm 2024, cặp tỷ giá USD/VND đã trải qua một năm biến động khó lường. Tỷ giá 2 lần vọt tăng mạnh khiến Ngân hàng Nhà nước phải can thiệp bằng biện pháp bán ngoại tệ giao ngay, điều hành linh hoạt các công cụ thanh khoản để ổn định tỷ giá thông qua nghiệp vụ phát hành tín phiếu, đồng thời đảm bảo thanh khoản cho hệ thống thông qua kênh thị trường mở. Kết thúc năm 2024, đà tăng của tỷ giá vẫn được duy trì dưới phạm vi 5% của Ngân hàng Nhà nước.
Bước sang năm 2025, giới phân tích tài chính cho rằng, tỷ giá USD/VND sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tốc độ hồi phục của nền kinh tế toàn cầu, chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), mức độ nghiêm trọng của các cuộc xung đột địa chính trị trên thế giới… Đặc biệt, “ẩn số” chính sách thuế quan của ông Donald Trump có thể làm tăng giá trị USD và gây áp lực lên tỷ giá.
Trong báo cáo triển vọng mới công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, vẫn có những áp lực nhất định lên tỷ giá trong năm 2025, cụ thể là chỉ số sức mạnh đồng USD (DXY) có thể duy trì ở ngưỡng cao. Theo VCBS, xu hướng chính của các ngân hàng trung ương trên thế giới là hạ lãi suất và kích thích tăng trưởng kinh tế, nhưng mức độ cắt giảm sẽ tùy thuộc vào bối cảnh từng quốc gia. Trong đó, thị trường lao động và khu vực dịch vụ của Mỹ vẫn khá khả quan, nên Fed có thể sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất so với kỳ vọng, kéo theo sức mạnh USD cao hơn so với các đồng tiền khác. Ngoài ra, các xung đột địa chính trị kéo theo nhu cầu đầu tư vào các tài sản trú ẩn an toàn và USD có thể là tài sản được ưu tiên lựa chọn.
Ông Heng Koon How - Trưởng Bộ phận Chiến lược thị trường, Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Ngân hàng UOB Singapore cho biết, chỉ số DXY đã tăng từ khoảng 100 điểm vào đầu tháng 10/2024 lên khoảng 108 điểm vào cuối tháng 12/2024. Đây là mức tăng rất đáng kể trong quý cuối cùng của năm 2024.
Theo ông Heng Koon How, chính quyền Trump 2.0 có khả năng sẽ mở rộng thêm các đợt cắt giảm thuế và tăng cường thuế quan thương mại đối với một số nước như Trung Quốc, Canada, Mexico... Điều này có sẽ làm tăng chi phí hàng hóa và dịch vụ cho Hoa Kỳ. Theo đó, kịch bản có khả năng xảy ra nhất là mức tăng thuế quan từng phần và theo từng giai đoạn trong năm 2025 sẽ góp phần làm tăng vừa phải khoảng 0,3 điểm phần trăm trong Chỉ số giá tiêu dùng của Hoa Kỳ. Ở kịch bản bi quan hơn là mức tăng thuế quan đáng kể và ngay lập tức sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1/2025, CPI nước này sẽ tăng ít nhất 0,5 điểm phần trăm.
Tóm lại, các chính sách của ông Trump có thể làm tái bùng phát lạm phát ở Hoa Kỳ. Do rủi ro lạm phát gia tăng ngụ ý khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất ít hơn vào năm 2025. Tại cuộc họp Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) mới nhất vào ngày 18/12/2024, Fed thực sự đã ra tín hiệu: Dự báo biểu đồ chấm trung vị hiện ngụ ý chỉ có 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm 2025, ít hơn so với dự báo trước đó là 4 lần. Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng tỏ ra ít cam kết hơn về việc cắt giảm thêm lãi suất trong tương lai và cảnh báo “tốc độ cắt giảm lãi suất dự kiến chậm hơn cho năm 2025 phản ánh kỳ vọng lạm phát cao hơn”.
“Rủi ro lạm phát gia tăng, cùng với việc Fed cắt giảm lãi suất nông hơn và lợi suất dài hạn cao hơn, tất cả đều góp phần tạo nên bối cảnh đồng USD mạnh lên hiện nay. Theo đó, chúng tôi dự báo chỉ số DXY sẽ tăng cao hơn, lên trên 110 điểm vào giữa năm 2025 với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vẫn giữ vững ở mức trên 4%”, ông Heng Koon How nói.
Tỷ giá chưa hết áp lực
UOB dự báo, VND có thể chịu ảnh hưởng lớn từ chính sách thuế của Tổng thống đắc cử Donald Trump và đồng nhân dân tệ (CNY) trong thời gian tới. Việc Mỹ chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ Trump 2.0 nên khả năng căng thẳng thương mại toàn cầu và các rủi ro có thể sớm xuất hiện. Do đó, VND sẽ tiếp tục suy yếu, kéo theo tỷ giá USD/VND có thể tăng lên đỉnh lịch sử 26.200 đồng/USD vào quý III/2025. Năm nay, UOB kỳ vọng tỷ giá sẽ ở mức 25.800 đồng/USD vào quý I; 26.000 đồng/VND vào quý II; 26.200 đồng/USD vào quý III và 26.000 đồng/USD vào quý IV.
Tương tự, VCBS đưa ra nhận định, năm 2025, sức mạnh USD vẫn là yếu tố chi phối lớn đối với tỷ giá và VND sẽ mất giá khoảng 3% so với USD. Tuy vậy, thị trường ngoại hối có thể ghi nhận những yếu tố tích cực nhờ xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới. Điều này sẽ tạo ra cơ hội cho dòng tiền đầu tư vào những nước có kinh tế vĩ mô ổn định, trong đó có Việt Nam.
Một yếu tố quan trọng khác là kiều hối tiếp tục là điểm sáng của dòng vốn ngoại tệ khi liên tục duy trì trên ngưỡng 13 tỷ USD trong 3 năm trở lại đây. Đi kèm với đó, cán cân thương mại đạt sẽ tiếp tục dự báo thặng dư lớn trong bối cảnh các nền kinh tế lớn phục hồi. Đồng thời, trước áp lực tỷ giá, cơ quan quản lý có thể thực hiện những chính sách điều hành mạnh mẽ hơn nhằm hướng tới mục tiêu ổn định thị trường ngoại tệ, cũng như chính sách thu hút dòng vốn đầu tư trong thời gian tới.
VCBS cũng chỉ ra rằng, nếu có áp lực từ biến động tỷ giá, nhà điều hành sẽ phải áp dụng các biện pháp điều chỉnh linh hoạt để từng bước xử lý. Hơn nữa, vào cuối năm, khi các ngân hàng thường tăng cường cho vay, áp lực tăng lãi suất huy động hiện hữu, nhưng tác động của yếu tố này sẽ không lớn.
Ông Michael Kokalari - Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường, VinaCapital cho biết, rủi ro lớn nhất trước mắt đối với thị trường chứng khoán Việt Nam và các thị trường mới nổi khác là khả năng USD tiếp tục tăng giá. Thực tế, chỉ số DXY đã tăng khoảng 7% sau cuộc bầu cử Mỹ, còn tỷ giá USD/VND đã giảm gần 5% tính trong năm 2024. Nếu chỉ số DXY tiếp tục tăng, mức giảm giá VND có thể vượt qua ngưỡng quan trọng 5% trong năm 2025, khiến Ngân hàng Nhà nước phải thắt chặt chính sách tiền tệ và/hoặc tăng lãi suất để hỗ trợ VND. Do đó, nếu USD tăng giá trong thời gian tới sẽ gây áp lực lên tỷ giá và ngược lại.
Standard Chartered cũng dự báo đồng USD sẽ suy yếu trong nửa đầu năm 2025 và mạnh lên từ nửa cuối năm. Việc Fed cắt giảm lãi suất có thể dẫn đến xu hướng suy yếu của đồng USD trong vài quý tới và tỷ giá sẽ ở mức 25.450 đồng/USD vào quý II/2025. Tuy nhiên, kể từ quý III/2025, các chính sách của ông Trump có thể tạo áp lực lên tỷ giá và buộc Ngân hàng Nhà nước phải nâng lãi suất điều hành.
Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI nhận định, năm 2025 sẽ đánh dấu một năm quan trọng khi là năm kết thúc của kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025, cũng là năm bản lề cho kỷ nguyên tới. Rủi ro lớn nhất trong năm 2025 sẽ đến từ các chính sách thuế quan bất lợi của ông Trump, sự phân mảnh trong kinh tế thế giới và rủi ro suy thoái ở Mỹ, trong khi vẫn còn những trở ngại trong nước về việc xử lý nợ xấu. Theo đó, dự báo tỷ giá VND/USD sẽ đạt 25.200 đồng/USD vào cuối năm 2024 và tăng lên mức 25.800 VND/USD trong năm 2025.
Công ty Chứng khoán HSC trong báo cáo mới nhất đã điều chỉnh dự báo tỷ giá tăng lên lần lượt 25.450 đồng/USD; 26.000 đồng/USD và 26.000 đồng/USD tại thời điểm cuối năm 2024, 2025 và 2026.
Trong khi đó, theo nhận định của TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, tỷ giá sẽ ổn định hơn trong thời gian tới, một phần do mối quan hệ cung cầu ngoại tệ của Việt Nam vẫn tương đối tốt. Fed sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất, dù tốc độ có thể chậm lại. Điều này giúp thu hẹp chệnh lệch lãi suất giữa USD và VND, tức là mức độ mất giá của VND sẽ “dịu” bớt.
Năm 2025, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt với mục tiêu tạo lập môi trường đầu tư thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp củng cố niềm tin thị trường, góp phần hỗ trợ kinh tế tiếp tục tăng trưởng.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho hay, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường để kịp thời can thiệp trong trường hợp tỷ giá có biến động quá lớn. Còn với lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ cân nhắc, bởi nếu giảm quá mạnh sẽ làm tăng tỷ giá, ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Thùy Vinh