Tỷ giá đồng yên trong đàm phán thương mại Mỹ - Nhật

Tỷ giá đồng yên trong đàm phán thương mại Mỹ - Nhật
5 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Trước thềm cuộc gặp, một số nguồn thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng phía Nhật có thể sẽ không nhất trí nếu Mỹ gây sức ép đòi Tokyo tăng tỷ giá đồng nội tệ.
Trong khi đó, ông Bessent ngày 23/4 nói rằng chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ không theo đuổi mục tiêu tỷ giá cụ thể nào trong đàm phán thương mại với Nhật Bản. Trao đổi với báo giới, nhà đàm phán thương mại cấp cao nhất của Mỹ nói trong cuộc gặp sắp tới với các đối tác đến từ Tokyo, Washington sẽ xem xét nhiều yếu tố gồm “thuế quan, hàng rào phi thuế quan, tỷ giá, và trợ cấp của chính phủ”.
“Không có mục tiêu tỷ giá cụ thể nào”, ông Bessent nói với các nhà báo bên lề chuỗi sự kiện mùa xuân thường niên ở Washington của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và ngân hàng Thế giới (WB).
HÉ LỘ VỀ Ý ĐỊNH CỦA NHẬT BẢN
Đàm phán thương mại Mỹ - Nhật đã khởi động vào tuần trước, nhưng hai bên về cơ bản chưa đạt bước tiến hành trong vòng đàm phán đầu tiên. Vấn đề tỷ giá cũng không được đề cập trong cuộc gặp đầu tiên, và được nhường lại cho cuộc gặp trực tiếp giữa ông Bessent và ông Kato dự kiến diễn ra trong tuần này, bên lễ sự kiện của IMF và WB.
Một trọng tâm trong chính sách thương mại của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ. Việc ông từng cáo buộc Nhật Bản cố tình giữ tỷ giá đồng yên yếu để giành lợi thế về thương mại đã dẫn tới kỳ vọng rằng chính quyền Trump 2.0 sẽ gây áp lực đòi Tokyo tăng tỷ giá yên so với USD nhằm cải thiện sức cạnh tranh cho các nhà sản xuất Mỹ.
Kỳ vọng này đã góp phẩn đẩy tỷ giá đồng yên tăng lên mức cao nhất 7 tháng so với USD trong thời gian gần đây. Hôm thứ Ba, tỷ giá USD so với yên giảm xuống dưới mức 140 yên đổi 1 USD. Ngày 23/4, đồng USD phục hồi mạnh, đạt hơn 143,4 yên đổi 1 USD.
Dù là đồng minh thân cận bậc nhất của Mỹ ở khu vực châu Á, Nhật Bản bị ông Trump áp thuế đối ứng 24%. Thuế quan 25% mà ông Trump áp lên ô tô nhập khẩu, trong đó có ô tô Nhật, được đánh giá là một thách thức lớn đối với kinh tế Nhật Bản.
Tuy nhiên, nguồn thạo tin tiết lộ với Reuters rằng sẽ khó có chuyện Nhật Bản có hành động trực tiếp, chẳng hạn can thiệp tỷ giá hoặc ngay lập tức tăng lãi suất, để đẩy tỷ giá đồng yên lên. Thay vào đó, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản hy vọng sẽ hiểu rõ hơn quan điểm của Mỹ về vấn đề tỷ giá, và vấn đề này có thể sẽ được gắn kết như thế nào vào một gói biện pháp mà hai nước sẽ đàm phán để đi đến một thỏa thuận thương mại - nguồn tin cho hay.
Điều này có nghĩa là cuộc gặp sắp tới của ông Kato và ông Bessent sẽ không đi tới nhất trí về một động thái phối hợp lớn để kích thích đồng yên tăng giá mạnh như kỳ vọng của một số nhà đầu tư và nhà phân tích trong thời gian gần đây.
“Nhật Bản chủ yếu sẽ tìm hiểu về ý định của Mỹ”, một nguồn thạo tin nói với Reuters.
“Mỹ có thể đang nghĩ tới mốc tỷ giá 100 yên đổi 1 USD, nhưng chúng tôi cho rằng hai bên thỏa thuận ở mốc 120 yên đổi 1 USD là thực tế hơn”, một báo cáo của ngân hàng Citigroup trong tuần này nhận định.
THẾ KHÓ CỦA NHẬT BẢN
Lần gần đây nhất Mỹ gây áp lực lớn buộc Nhật Bản tăng tỷ giá đồng yên là vào năm 1985, khi Washington dẫn đầu nhóm 7 nền công nghiệp phát triển G7 phối hợp can thiệp vào thị trường tiền tệ để làm đồng USD mất giá theo Thỏa ước Plaza.
Giới thạo tin gần đây có nói với Reuters rằng tốc độ tăng lãi suất chậm chạp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) cũng có thể trở thành một chủ đề “nóng” trong đàm phán thương mại Nhật - Mỹ.
Tuy nhiên, rất khó để Nhật có thể tác động lên tỷ giá đồng yên theo hướng có lợi cho cả hai nước. Lần gần đây nhất nước này can thiệp vào thị trường ngoại hối là vào năm 2024, khi Tokyo mua vào đồng yên để hỗ trợ đồng nội tệ sau khi yên giảm giá xuống mức thấp nhất gần 3 thập kỷ là 161,99 yên đổi 1 USD hồi tháng 7 năm ngoái.
Hiện nay, yên đã hồi phục mạnh so với mức tỷ giá đó, nên giới chức Nhật có thể sẽ thận trọng khi nói đến việc làm tỷ giá tăng thêm, bởi việc yên tiếp tục tăng giá sẽ bào mòn hơn nữa biên lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản trong bối cảnh hàng rào thuế quan ở Mỹ tăng cao.
Nếu Nhật Bản can thiệp tỷ giá bằng cách mua vào đồng yên, nước này sẽ phải bán ra dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ - một biện pháp mà Washington có thể không hài lòng xét tới việc thị trường trái phiếu Mỹ bán tháo gần đây.
Việc sử dụng chính sách tiền tệ để đẩy yên tăng giá càng bất cập hơn. BOJ hiện đang có khuynh hướng trì hoãn tăng lãi suất vì thuế quan của ông Trump đang đe dọa làm trệch hướng sự phục hồi kinh tế mong manh của Nhật. Việc tăng lãi suất theo yêu cầu của Mỹ cũng sẽ làm suy yếu sự độc lập của BOJ trong thiết lập chính sách tiền tệ và giảm uy tín của cơ quan này - giới phân tích nhận định.
“Ngay cả khi Nhật và Mỹ thảo luận về tỷ giá, hai bên cũng sẽ không làm được gì nhiều. Can thiệp tỷ giá cũng không hợp lý, tăng lãi suất cũng vậy”, giám đốc phụ trách tỷ giá Nhật Bản Hiroyuki Machida của ngân hàng ANZ nhận xét.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/ty-gia-dong-yen-trong-dam-phan-thuong-mai-my-nhat.htm