Kho bạc Nhà nước công bố tỷ giá hạch toán ngoại tệ trong thu chi ngân sách tháng 1/2025 Thách thức điều hành tỷ giá dưới thời chính quyền Trump 2.0 Tỷ giá hôm nay (15/1): Đồng USD thế giới lao dốc, “chợ đen” giảm nhẹ ở chiều bán ra
Thị trường chứng khoán đang được dự báo có một năm 2025 với nhiều triển vọng tươi sáng hơn. Nhìn về phía trước, các nhóm ngành như đầu tư công và bất động sản được đánh giá sẽ tiếp tục là tâm điểm thu hút sự quan tâm. Với nhiều dự án mới dự kiến được triển khai trong năm 2025, các lĩnh vực này hứa hẹn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, đi kèm với tiềm năng là những biến động khó lường. Tỷ giá giữa USD và Việt Nam đồng vẫn là một ẩn số lớn, có thể tạo ra tác động đáng kể đến nhiều mặt của nền kinh tế.
Nguồn: Bloomberg, Tổng cục Thống kê, VNDirect.
Trong đánh giá tổng quan cho năm 2025, ông Nguyễn Huy Bằng – Giám đốc Chi nhánh Vũng Tàu, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, qua quan sát dựa trên những báo cáo từ các công ty chứng khoán thời gian qua, nhận thấy rằng định giá về triển vọng của thị trường trong năm 2025 khá đa dạng.
Theo chuyên gia từ VDSC, năm 2024 ghi nhận thanh khoản bình quân đạt hơn 21.000 tỷ đồng mỗi phiên, cùng với hơn 2 triệu tài khoản đầu tư mới được mở, tăng trưởng 30% so với cuối năm 2023. Đây là minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn của thị trường, đồng thời khẳng định tiềm năng phát triển lâu dài.
Theo đó, các công ty chứng khoán dự đoán chỉ số thị trường có thể đạt mức tăng trưởng từ 1.400 - 1.500 điểm, thậm chí một số đơn vị còn kỳ vọng cao hơn. Điều này gợi nhớ đến bối cảnh đầu năm 2024, khi thị trường khởi điểm ở mức 1.137 điểm.
Thời điểm đó, các phân tích cũng đưa ra vùng định giá từ 1.250 - 1.300 điểm. Thực tế, thị trường đã đạt trung bình 1.200 điểm và kết thúc năm ở mức 1.266 điểm, đánh dấu một mức tăng trưởng tích cực.
Trong năm 2025, kỳ vọng tăng trưởng thị trường dường như cao hơn. Những yếu tố hỗ trợ đến từ sự ổn định trong cơ cấu nhân sự lãnh đạo cấp cao, các cam kết về phát triển kinh tế với mục tiêu tăng trưởng 8% vào năm 2025 và đạt hai con số trong giai đoạn 2026 – 2030. Các định hướng đầu tư công cũng là một điểm nhấn khi ngân sách giải ngân dự kiến vượt 95%, khác biệt với các năm trước đây khi đầu tư công thường tăng tốc vào cuối năm. Những chính sách tài khóa này có thể tạo ra cú hích đáng kể cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đối mặt với không ít thách thức. Giai đoạn đầu năm 2025 chưa ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, phần lớn nhà đầu tư đang chờ đợi những bước đi cụ thể từ Tổng thống Mỹ sau khi chính thức nhậm chức. Việc kiểm soát lạm phát đã đạt được tiến triển, nhưng áp lực từ tỷ giá vẫn hiện hữu, đặc biệt khi đồng USD tiếp tục mạnh lên. Điều này khiến các thách thức về thanh khoản và xu hướng dòng vốn trở thành những vấn đề đáng quan tâm.
Nguồn: Bloomberg, Tổng cục Thống kê, VNDirect.
Hiện tại, thanh khoản thị trường đang ở mức thấp. Trong 10 phiên giao dịch đầu năm 2025, giá trị giao dịch giảm xuống khoảng 7.500 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 2 năm qua. Đồng thời, dòng vốn ngoại cũng rút hơn 2.200 tỷ đồng, tiếp nối xu hướng bán ròng mạnh mẽ từ năm 2024, với tổng giá trị lên đến 95.000 tỷ đồng. Điều này tạo ra áp lực lớn lên cung cầu, làm giảm động lực tăng trưởng của thị trường.
Bên cạnh đó, yếu tố tỷ giá cũng là một nút thắt lớn. Chỉ số đồng USD tăng cao sau bầu cử ở Mỹ khiến nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng rút vốn khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ có thể mang đến tác động trái chiều, nhưng cũng mở ra cơ hội khi Việt Nam có thể được hưởng lợi từ làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cạnh tranh với các quốc gia khác trong khu vực vẫn sẽ là một thách thức.
Dù các thách thức còn đó, thị trường vẫn có những điểm sáng đáng chú ý. Nhiều chuyên gia kỳ vọng FTSE và MSCI sẽ nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lần lượt vào năm nay và 2026. Cùng với đó, các quy định pháp luật mới nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thị trường tài chính sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn.
"Điểm mấu chốt hiện nay là tìm ra các điểm uốn – khi mà những yếu tố bất lợi như tỷ giá, thanh khoản, và dòng vốn ngoại có thể thay đổi hướng đi. Ngày Tổng thống Mỹ nhậm chức, các chính sách mới, hay sự cải thiện trong dòng tiền và thanh khoản có thể đánh dấu những bước ngoặt quan trọng cho thị trường. Điều này đòi hỏi sự quan sát kỹ lưỡng và sự chuẩn bị linh hoạt từ các nhà đầu tư, để tận dụng cơ hội khi thời cơ đến" - Chuyên gia từ VDSC nhấn mạnh./.
Theo các chuyên gia từ VNDirect, áp lực về tỷ giá dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong nửa đầu năm 2025, với mức tỷ giá liên ngân hàng USD/VND có thể dần tăng lên ngưỡng 26.000. Tuy nhiên, tình hình được kỳ vọng sẽ cải thiện trong nửa cuối năm, khi tỷ giá hạ nhiệt và giảm xuống mức khoảng 25.500 vào cuối năm. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng kỳ vọng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng sẽ tăng nhẹ, từ mức 4,9% vào cuối năm 2024 lên khoảng 5,4-5,6% vào cuối năm 2025.
Thu Hương