Tỷ giá vẫn "nóng"
Theo báo cáo thị trường tiền tệ gần đây, Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, những biến động từ "Trump 2.0" có thể đẩy giá trị đồng USD tiếp tục tăng cao.
Tỷ giá hối đoái bắt đầu thu hút sự chú ý từ tháng 3/2024, khi áp lực tỷ giá leo thang và chạm đỉnh vào tháng 5/2024 với mức 25.470 VND/USD. Đồng VND mất giá khoảng 4,6% so với đầu năm, do ảnh hưởng từ chính sách lãi suất cao nhất trong 23 năm của Fed, cùng với nhu cầu USD tăng đột biến phục vụ nhập khẩu và đầu cơ.
Sau giai đoạn căng thẳng, VND đã dần phục hồi từ giữa tháng 9/2024, nhờ Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản – động thái giảm lãi suất đầu tiên sau 4 năm. Tuy nhiên, xu hướng này không kéo dài khi bước sang quý IV/2024, tỷ giá lại tăng mạnh. Nguyên nhân chính là sự gia tăng nhập khẩu của doanh nghiệp để chuẩn bị sản xuất mùa cuối năm và nhu cầu USD từ Kho bạc Nhà nước nhằm thanh toán các khoản nợ.
Những biến động từ “Trump 2.0” có thể đẩy giá trị đồng USD tiếp tục tăng cao. Ảnh minh họa.
Tháng 12/2024 chứng kiến áp lực tỷ giá tiếp tục gia tăng, khi đồng USD phục hồi mạnh mẽ. Tỷ giá liên ngân hàng đạt mức kỷ lục 25.485 VND/USD, đưa tổng mức mất giá của VND lên hơn 4,6% trong năm 2024.
Tỷ giá thị trường tự do tăng lên 25.800 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm tăng 2%, đạt 24.335 VND/USD – mức cao nhất từ khi cơ chế này được áp dụng năm 2016. Để giảm bớt áp lực, NHNN đã linh hoạt điều tiết thanh khoản ngân hàng và bơm một lượng lớn ngoại tệ ra thị trường.
MBS Research dự đoán tỷ giá trong quý I/2025 sẽ dao động quanh mức 25.500 – 25.800 VND/USD. Những yếu tố như chính sách tài khóa nới lỏng của chính quyền mới, các quy định nhập cư thắt chặt, lãi suất cao của Mỹ so với thế giới, cùng xu hướng bảo hộ thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ sự tăng giá của đồng USD trong năm 2025.
Nhóm ngành hưởng lợi khi tỷ giá tăng
Theo các chuyên gia, tỷ giá VND/USD tăng cao đang tạo ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành xuất khẩu, bao gồm thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, đá thạch anh nhân tạo và săm lốp.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết, nhóm thủy sản sẽ được hưởng lợi lớn nhờ giá bán và giao dịch chủ yếu bằng USD. Tương tự, nhóm hóa chất cũng có triển vọng tích cực do phần lớn doanh thu đến từ xuất khẩu, trong khi tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu lại thấp. Ngành dầu khí và nhựa cũng được đánh giá khả quan trong bối cảnh này.
Đối với ngành dệt may, dù thị trường xuất khẩu chính là Mỹ, nhưng phần lớn nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu theo chỉ định của khách hàng, khiến tác động từ việc tăng tỷ giá đến kết quả kinh doanh không đáng kể.
Tỷ giá VND/USD tăng cao đang tạo ra cơ hội cho nhiều nhóm ngành xuất khẩu. Ảnh minh họa.
Ngành đá thạch anh nhân tạo và săm lốp có khả năng hưởng lợi nhờ doanh thu xuất khẩu vượt trội so với chi phí nhập khẩu nguyên liệu hoặc vay ngoại tệ. Riêng ngành gỗ, với doanh thu lớn từ Mỹ và Châu Âu cùng khả năng tự chủ nguyên liệu trong nước, được kỳ vọng sẽ đạt lợi ích rõ rệt khi tỷ giá tăng cao.
Tuy nhiên, các nhóm ngành như phân bón và tiện ích lại gặp bất lợi từ áp lực tỷ giá. Đối với các doanh nghiệp như DPM và DCM, nguyên liệu đầu vào được định giá bằng USD trong khi doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng thấp, dẫn đến gia tăng chi phí.
Tương tự, một số doanh nghiệp trong ngành tiện ích phải đối mặt với chi phí sản xuất điện tăng cao do giá khí đầu vào gắn với USD, làm giảm khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, nhóm phân tích của BSC Research đưa ra quan điểm trung lập đối với các ngành như sắt thép, gạo, công nghệ và một số cổ phiếu trong nhóm tiện ích (REE, PC1, GEG, BCG, BWE).
Riêng với FPT, BSC nhận định rằng mức tăng tỷ giá USD/VND có thể bù đắp cho mức giảm của tỷ giá JPY/VND. Bên cạnh đó, các khoản vay bằng USD của FPT được thanh toán trực tiếp từ doanh thu tại thị trường Mỹ, do đó ảnh hưởng từ tỷ giá lên kết quả kinh doanh của công ty không đáng kể.
Thanh Thắng