Tỷ giá tại các ngân hàng tăng 'kịch trần', vàng miếng SJC rơi sâu từ đỉnh

Tỷ giá tại các ngân hàng tăng 'kịch trần', vàng miếng SJC rơi sâu từ đỉnh
9 giờ trướcBài gốc
Tỷ giá tại các ngân hàng bất ngờ “nóng” lên từ hôm qua. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND hiện đang giao dịch ở mức 24.417 VND/USD (mua vào chuyển khoản) và 25.777 VND/USD (bán ra), tăng hơn 300 VND/USD so với cuối tuần trước và trở lại “chạm” trần. Kể từ sau kỷ nghỉ Tết nguyên đán, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục tăng mạnh tỷ giá trung tâm. Ngày 12/2, tỷ giá trung tâm tăng thêm 28 VND/USD lên 24.550 VND/USD. Với biên độ +/-5% theo quy định, mức trần của tỷ giá là 25.777 VND/USD.
Diễn biến "nóng" bất thường của tỷ giá diễn ra trong bối cảnh chỉ số DXY không ghi nhận biến động lớn, chỉ dao động quanh mức 108 điểm. Các nhà đầu tư thận trọng trước báo cáo lạm phát của Mỹ. Dự báo, lạm phát cơ bản của Mỹ tăng nhẹ lên 0,3% từ mức 0,2% trong tháng trước, trong khi lạm phát hàng năm có thể giảm xuống 3,1% từ 3,2%.
Phát biểu trước Quốc hội Mỹ mới đây, Chủ tịch Fed Jerome Powell tái khẳng định rằng ngân hàng trung ương chưa vội vàng cắt giảm lãi suất, khi nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh mẽ và lạm phát vẫn ở mức cao. Ông cảnh báo rằng việc nới lỏng chính sách quá nhanh có thể làm chậm tiến trình kiểm soát lạm phát, trong khi duy trì chính sách thắt chặt quá lâu có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Sau khi đạt mức cao kỷ lục 2.940 USD/ounce vào đầu tuần, giá vàng thế giới giảm xuống dưới 2.900 USD/ounce dưới áp lực chốt lời. Hiện giá vàng giao ngay giao dịch tại 2.894 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York cũng nhích nhẹ lên 2.923 USD/ounce.
Đà tăng của vàng chững lại trước số liệu lạm phát sắp công bố
Thời gian qua, kim loại quý này đã được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực như động thái nới lỏng của nhiều ngân hàng trung ương lớn, nỗi lo thương chiến cùng hoạt động mua ròng tăng dự trữ vàng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC). Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã xác nhận việc áp thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã đáp trả bằng cách áp thuế lên một số hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ leo thang căng thẳng thương mại.
Xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn vẫn là động lực quan trọng hỗ trợ giá vàng. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) mới đây đã cắt giảm lãi suất, theo sau các động thái tương tự từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Riksbank (Thụy Điển) và Ngân hàng Trung ương Canada (BoC). Thêm đó, nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương vẫn duy trì ở mức cao. PBoC đã mua ròng tháng thứ ba liên tiếp khi gia tăng dự trữ vàng trong tháng 1.
Dù nhu cầu trú ẩn an toàn gia tăng, đà tăng của vàng đang chậm lại khi các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu lạm phát của Mỹ công bố vào thứ Tư. Đây là dữ liệu có thể ảnh hưởng đến triển vọng chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).Việc Fed duy trì lập trường thận trọng đối với các đợt cắt giảm lãi suất có thể kìm hãm đà tăng của vàng trong ngắn hạn.
Tại thị trường trong nước, trước sự chững lại trên thị trường toàn cầu, vàng miếng SJC đã quay đầu giảm giá sâu từ đỉnh. Tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC), giá vàng miếng niêm yết tại 86,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 90,2 triệu đồng/lượng (bán ra). Chênh lệch giá mua - bán ở mức 3,5 triệu đồng mỗi lượng, nới thêm 500.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Tùng Linh
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/ty-gia-tai-cac-ngan-hang-tang-kich-tran-vang-mieng-sjc-roi-sau-tu-dinh-d245681.html