Tỷ lệ bao phủ nợ xấu VIB quý I/2025 xuống đáy 5 năm

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu VIB quý I/2025 xuống đáy 5 năm
7 giờ trướcBài gốc
Gánh nặng nợ xấu và bộ đệm mỏng manh
Trong bối cảnh kết quả kinh doanh có dấu hiệu suy giảm, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) đang đối mặt với một thách thức lớn khi nợ xấu tăng mạnh và tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) nằm ở nhóm thấp nhất hệ thống.
Tính đến ngày 31/3/2025, tổng nợ xấu của VIB đạt 12.700 tỷ đồng, tăng hơn 11% so với đầu năm với các nhóm nợ đều ghi nhận sự gia tăng.
Nợ dưới tiêu chuẩn tăng mạnh 27%, nợ nghi ngờ tăng 12%. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới hơn một nửa tổng nợ xấu, tăng 6% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay đã tăng từ 3,5% lên hơn 3,8%.
Tuy nhiên, trong khi nợ xấu gia tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm xuống mức 38,6%, mức thấp nhất trong 5 năm qua của VIB và cũng nằm trong nhóm thấp nhất trong toàn hệ thống ngân hàng.
Chỉ số LLR, được tính bằng tỷ lệ số dư dự phòng nợ xấu trên tổng nợ xấu, là thước đo quan trọng đánh giá khả năng chống chịu của ngân hàng trước rủi ro tín dụng.
Các ngân hàng dẫn đầu như Vietcombank có LLR lên tới 216%, VietinBank 137%, và Techcombank 112%, cho thấy sự vượt trội trong khả năng dự phòng rủi ro.
Nguyên nhân chính khiến LLR của VIB tụt giảm là do ngân hàng cắt giảm mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý I/2025, chỉ còn 421 tỷ đồng, giảm tới hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước.
Viêc giảm dự phòng giúp VIB duy trì lợi nhuận trước thuế ở mức 2.420 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 3% so với cùng kỳ.
Trong đánh giá mới đây, công ty chứng khoán MB (MBS) dự báo VIB sẽ phải tăng cường trích lập dự phòng trong năm 2025, với chi phí dự phòng tăng 30,6% so với năm 2024, đạt tỷ lệ trích lập trên tổng tín dụng 1,5%. Điều này sẽ đẩy LLR lên trên 57% và giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 3% vào cuối năm 2025.
Sự cải thiện này được hỗ trợ bởi thu nhập tích cực và xử lý nợ xấu mạnh mẽ hơn, đặc biệt khi thị trường bất động sản thứ cấp ấm lên và các khoản vay mua nhà, sản xuất kinh doanh phục hồi.
MBS cũng lưu ý rằng tăng trưởng tín dụng nhanh, đặc biệt ở mảng bán lẻ, có thể làm tăng nợ xấu trong năm 2025.
Tuy nhiên, với các chính sách pháp lý mới trong lĩnh vực bất động sản và nhu cầu tiêu dùng mạnh lên, VIB được kỳ vọng tận dụng lợi thế từ các khoản vay có hồ sơ pháp lý rõ ràng.
Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng
Dù chất lượng tài sản gây lo ngại, VIB vẫn đạt được một số kết quả tích cực trong quý I/2025. Cho vay khách hàng tăng 3%, đạt 334.160 tỷ đồng và tiền gửi khách hàng tăng 2%, đạt 282.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tiền gửi không kỳ hạn tăng 10%, đi ngược xu hướng giảm của nhiều ngân hàng lớn. Chương trình Tài khoản siêu lợi suất, thu hút gần 200.000 khách hàng kích hoạt trong hai tháng, là một điểm nhấn quan trọng, giúp cải thiện tỷ lệ CASA dù vẫn thấp hơn mức trung bình ngành.
Tuy nhiên, các mảng kinh doanh cốt lõi lại chịu áp lực lớn. Thu nhập lãi thuần giảm 14%, đạt 3.740 tỷ đồng. Lãi từ dịch vụ giảm 13%, còn 380 tỷ đồng, và lãi từ kinh doanh ngoại hối sụt giảm mạnh 61%, chỉ đạt 114 tỷ đồng.
Một số điểm sáng như lãi từ mua bán chứng khoán đầu tư tăng gấp 2,3 lần, đạt 30 tỷ đồng, và thu từ thu hồi nợ đã xử lý rủi ro tăng 52%, đạt 343 tỷ đồng, đã phần nào bù đắp cho sự sụt giảm.
Tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT VIB khẳng định kỳ vọng các quý tiếp theo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, đạt mức tăng 30-40%.
Ông Vỹ nhấn mạnh VIB sẽ tiếp tục lộ trình chuyển đổi chiến lược 10 năm (2017-2026), với tầm nhìn trở thành “ngân hàng sáng tạo và hướng tới khách hàng nhất tại Việt Nam” và định vị là “ngân hàng bán lẻ hàng đầu về chất lượng và quy mô”.
Trong năm 2025, ngân hàng đặt kế hoạch tổng tài sản đạt trên 600.000 tỷ đồng, dư nợ tín dụng gần 396.000 tỷ đồng, huy động vốn 377.300 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 11.000 tỷ đồng, đều tăng 22-26% so với năm 2024. Tỷ lệ nợ xấu được cam kết kiểm soát dưới 3%.
Dũng Phạm
Nguồn Nhà Quản Trị : https://theleader.vn/ty-le-bao-phu-no-xau-vib-quy-i-2025-xuong-day-5-nam-d40183.html