Tỷ lệ hộ nghèo Phan Thiết giảm còn 0,63%

Tỷ lệ hộ nghèo Phan Thiết giảm còn 0,63%
2 giờ trướcBài gốc
Tại thành phố Phan Thiết, UBND các phường, xã chủ động lựa chọn người tham gia mô hình sinh kế, phát triển sản xuất cho hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và lập dự án, nhằm đảm bảo tính khả thi, hiệu quả. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, số hộ nghèo thành phố Phan Thiết (Bình Thuận) giảm còn 390 hộ vào cuối năm 2023, chiếm tỷ lệ 0,63% so với số hộ toàn thành phố. Đời sống của một bộ phận người nghèo được nâng lên và từng bước vươn lên thoát nghèo.
Các mô hình chăn nuôi phát triển mạnh ở Phan Thiết mang lại cuộc sống ổn định cho người dân. Ảnh: T. Duyên
Theo đánh giá của UBND thành phố Phan Thiết, các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề… được lồng ghép triển khai đồng bộ, có hiệu quả, góp phần cải thiện điều kiện sống và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người nghèo.
Để phù hợp với hoàn cảnh, mong muốn của từng hộ gia đình nghèo, chương trình đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 tại thành phố Phan Thiết đã lựa chọn các mô hình hỗ trợ đúng địa chỉ, đúng đối tượng.
Cuối tháng 10, thành phố đã bàn giao 5 xe bán cà phê - nước giải khát và 9 xe nước mía cho 14 gia đình thuộc hộ nghèo, cận nghèo và mới thoát nghèo. Bên cạnh đó, mỗi hộ còn được nhận 6 cái bàn và 24 cái ghế, giá xe nước mía là 11,8 triệu đồng và xe cà phê là 8,3 triệu đồng.
Tổng trị giá cho đợt hỗ trợ này là gần 150 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Bên cạnh việc trao tặng xe, UBND các phường, xã cũng thể hiện sự quan tâm bằng cách hỗ trợ bố trí phương tiện vận chuyển xe nước mía, cà phê đến tận nhà các gia đình này.
Gia đình ông Lê Văn Kha (phường Phú Tài) thuộc hộ cận nghèo, nguồn thu nhập không ổn định từ công việc cắt tóc và bán bánh của vợ chồng ông khiến gia đình gặp khó khăn trong việc trang trải chi phí cho ba người con đang tuổi ăn học. Là một trong 14 hộ vừa được nhận sinh kế giảm nghèo vào cuối tháng 10, vợ chồng ông Kha rất phấn khởi, coi đây là cơ hội để ông bà kiếm thêm thu nhập nuôi các con. "Gia đình tôi hứa sẽ cố gắng làm việc để sớm thoát nghèo”, ông Kha nói.
Sự hỗ trợ chương trình lần này của thành phố Phan Thiết nhằm cung cấp phương tiện làm ăn, tạo việc làm và sinh kế bền vững cho người dân thuộc các hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo. Việc lựa chọn các hộ tham gia mô hình được các khu dân cư, phường, xã lựa chọn, nhằm đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Các hộ gia đình tham gia dự án trên sẽ được theo dõi và đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tới đây, chương trình dự kiến hỗ trợ xe máy, phương tiện cho người dân chạy xe ôm, giao hàng…
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận cho biết, tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh đầu năm 2024 giảm còn 1,96% (6.621 hộ), giảm hơn 4.000 hộ so với đầu năm 2022. Để đạt được kết quả trên, việc sử dụng nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững được thực hiện hiệu quả, mục tiêu nhằm giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững cho người dân khu vực duyên hải miền Trung này. Các chương trình trao sinh kế, mô hình giảm nghèo từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững không chỉ cung cấp phương tiện kinh doanh, phát triển sản xuất mà còn đóng góp thiết thực vào công tác giảm nghèo đa chiều tại từng gia đình, cộng đồng dân cư.
Dương Lê
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/ty-le-ho-ngheo-phan-thiet-giam-con-063-post397508.html