Tỷ lệ thừa cân, béo phì tại các đô thị vượt mức báo động

Tỷ lệ thừa cân, béo phì tại các đô thị vượt mức báo động
4 giờ trướcBài gốc
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng: Tỷ lệ thừa cân, béo phì tại các đô thị như Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt mức báo động. (ẢNH: CHI MAI)
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, tỷ lệ thừa cân, béo phì tại các đô thị đã vượt mức báo động. Trong khi đó, tình trạng suy dinh dưỡng tại các vùng miền núi vẫn ở mức cao, với 38% trẻ em thấp còi ở một số khu vực. Điều này cho thấy một thực trạng thiếu hụt dinh dưỡng ở vùng sâu vùng xa, và thừa cân tại các đô thị phát triển - nơi xu hướng tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn, nước ngọt và lối sống ít vận động đang ngày càng phổ biến, đặc biệt ở giới trẻ.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nhắn nhủ: "Ngay từ hôm nay, mỗi người hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ - một bữa ăn lành mạnh hơn, một giờ vận động mỗi ngày để tạo nên sự thay đổi lớn cho cả xã hội". Đây không chỉ là lời kêu gọi, mà là sự khẳng định rằng dinh dưỡng không phải là lĩnh vực xa vời hay thuộc trách nhiệm riêng của ngành y tế. Đó là một hành động mỗi ngày, từ từng bữa cơm gia đình, đến cách các trường học tổ chức bữa ăn cho học sinh, và cách mỗi người trẻ lựa chọn bữa sáng cho mình.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho rằng, dinh dưỡng khoa học chính là nền tảng cho sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ của mỗi cá nhân và cả dân tộc. Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai nhiều chính sách trọng điểm để thúc đẩy chế độ dinh dưỡng hợp lý, nổi bật là Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030. Chiến lược này đặt mục tiêu bảo đảm chế độ ăn đa dạng, an toàn thực phẩm cho mọi nhóm dân cư, đặc biệt tập trung vào trẻ em, phụ nữ mang thai và các cộng đồng dễ bị tổn thương.
Cùng với đó, các chương trình như “Dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời” và Tuần lễ “dinh dưỡng và phát triển” đã trở thành các hoạt động thường niên nhằm nâng cao nhận thức và thực hành dinh dưỡng hợp lý trong toàn dân. Đặc biệt, Bộ Y tế đã ban hành “10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý đến năm 2030” nhằm khuyến khích người dân ăn đa dạng thực phẩm, giảm tiêu thụ thức ăn nhanh và duy trì lối sống năng động.
Không dừng lại ở phạm vi quốc gia, Việt Nam cũng chủ động hội nhập quốc tế khi tham gia Phong trào mở rộng dinh dưỡng (SUN) từ năm 2014 và ký kết Tuyên bố chung ASEAN về chấm dứt suy dinh dưỡng từ năm 2017. Những nỗ lực này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 2: xóa nạn đói và chấm dứt mọi hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030.
CHI MAI
Nguồn Nhân Dân : https://nhandan.vn/ty-le-thua-can-beo-phi-tai-cac-do-thi-vuot-muc-bao-dong-post879547.html