Bộ trưởng "Cắt giảm chi phí"
Sau khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ thứ 47, đội ngũ chuyển giao quyền lực của nước Mỹ đã bắt đầu đánh giá ứng viên tiềm năng để đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong chính quyền khi ông nhậm chức lần thứ 2 vào tháng 1/2025.
Một trong những cái tên tiềm năng nhất phải kể đến là tỷ phú công nghệ Elon Musk, người công khai ủng hộ ông Trump mạnh mẽ và có công lớn trong chiến thắng của ông.
Tỷ phú Elon Musk công khai ủng hộ mạnh mẽ ông Donald Trump (Ảnh: Reuters).
Theo hãng tin Reuters, từ tháng 8/2024, ông Trump đã đặt vấn đề đưa ông Musk vào bộ máy chính quyền Mỹ khi tái đắc cử Tổng thống.
"Ông Musk là người rất thông minh. Tôi chắc chắn sẽ đưa ông ấy vào nội các, chắc chắn sẽ làm", Tổng thống đắc cử Donald Trump chia sẻ với phóng viên Reuters.
Trong một lần trao đổi, Giám đốc điều hành Tesla khẳng định sẵn sàng phục vụ trong ủy ban của chính phủ nghiên cứu về nợ quốc gia, chi tiêu ngân sách.
Theo ông Trump, tỷ phú Elon Musk còn bận rộn điều hành nhiều doanh nghiệp lớn hàng đầu thế giới nên có thể phần nào hạn chế hoạt động trong chính phủ. Dù vậy ông vẫn quyết tâm đưa ông Elon Musk vào nội các khi nhậm chức Tổng thống.
Trong cuộc phỏng vấn hồi tháng 10 với hãng tin Fox News, Tổng thống đắc cử Donald Trump cho biết đã có kế hoạch tạo ra một chức danh mới trong chính phủ dành riêng cho ông Musk, mang tên "Bộ trưởng Cắt giảm chi phí".
Có đúng thẩm quyền?
Theo trang web của Nhà Trắng, quyền lực của nhánh hành pháp trong hệ thống tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp, tư pháp) của Mỹ được trao cho Tổng thống. Tổng thống đồng thời là nguyên thủ quốc gia, Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang, chịu trách nhiệm thi hành luật do Quốc hội ban hành.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Tổng thống có quyền bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan trong chính quyền liên bang, bao gồm 15 bộ điều hành nhiều lĩnh vực khác nhau: Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại, Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục, Bộ Năng lượng, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh, Bộ An ninh nội địa, Bộ Nhà ở và Phát triển đô thị, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Cựu chiến binh.
Tổng thống không có thẩm quyền tổ chức lại nhánh hành pháp, mà chỉ có thể đưa ra đề xuất thay đổi với Quốc hội Mỹ (Ảnh: Reuters).
Do vậy, Tổng thống đắc cử Donald Trump có quyền lựa chọn 15 bộ trưởng tương ứng với 15 bộ nêu trên. Tuy nhiên, không có bộ nào được gọi là "Bộ Cắt giảm chi phí".
Theo trang The Heritage Foundation, pháp luật Mỹ quy định Tổng thống không có thẩm quyền theo luật định để tổ chức lại nhánh hành pháp, ngoại trừ trường hợp các đạo luật của Quốc hội ủy quyền thực hiện một số thay đổi cụ thể.
Tổng thống vẫn có quyền triệu tập một ủy ban nghiên cứu những vấn đề đáng lo ngại trong nhánh hành pháp, từ đó đề xuất thay đổi với Quốc hội. Tổng thống có thể thành lập, tái cấu trúc hoặc bãi bỏ một chức vụ do mình bổ nhiệm nhưng không thể tổ chức lại các cơ quan trong nhánh hành pháp.
Ví dụ vào năm 1979, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đề xuất lên Quốc hội thành lập Bộ Giáo dục. Chỉ khi Quốc hội tán thành, Bộ Giáo dục mới chính thức được hoạt động, khi đó ông Jimmy Carter mới có thể bổ nhiệm một Bộ trưởng Giáo dục mới.
Ông Trump và đảng Cộng hòa đã đưa kế hoạch giải thể Bộ Giáo dục trong chương trình nghị sự của nhiệm kỳ Tổng thống sắp tới. Tuy nhiên theo tổ chức giáo dục EdWeek, Tổng thống đắc cử Trump không có quyền xóa bỏ các bộ, mà cần phải có sự chấp thuận từ Quốc hội.
Xung đột lợi ích
Kể cả thành lập được "Bộ Cắt giảm chi phí", theo hãng tin NPR, nhiều xung đột lợi ích sẽ xảy ra nếu ông Musk nắm giữ chức vụ bộ trưởng bộ này bởi vốn dĩ các doanh nghiệp của ông Musk được hưởng lợi và chịu sự quản lý của các cơ quan liên bang.
Trong đó, công ty xe điện Tesla của ông nhận được tài trợ của chính phủ tới hàng triệu USD để lắp đặt hệ thống trạm sạc xe điện. Công ty tên lửa SpaceX giành được loạt hợp đồng trị giá hàng tỷ USD của chính phủ để thực hiện các sứ mệnh khám phá Mặt Trăng. Công ty Internet vệ tinh Starlink, cũng nhận hàng triệu USD tiền trợ cấp từ chính phủ liên bang.
Nếu đảm nhiệm vai trò này, ông Musk sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến các cơ quan liên bang và kế hoạch phân bổ ngân sách trong chính phủ. Bản thân ông tuyên bố sẽ cắt giảm 1/3 ngân sách liên bang, khoảng 2.000 tỷ USD (tương đương 51 triệu tỷ đồng).
Kể cả không được phân nhiệm vụ trong bộ máy công quyền, trước mắt, tỷ phú giàu bậc nhất thế giới này đã và sẽ hưởng lợi rất nhiều trong nhiệm kỳ Tổng thống Trump.
Ngay trong ngày 6/11, khi ông Trump được thông báo thắng cử, cổ phiếu Tesla tăng tới 14,7%, giúp ông Musk có thêm 26,5 tỷ USD tài sản.
Lưu Gia Huy