Ngày 10/2, một nhóm các nhà đầu tư do tỷ phú Elon Musk dẫn đầu đã đưa ra đề nghị mua lại OpenAI với giá 97,4 tỷ USD. Đây là động thái mới nhất trong cuộc chiến của tỷ phú này nhằm ngăn chặn startup trí tuệ nhân tạo chuyển đổi thành công ty vì lợi nhuận.
OpenAI được định giá 157 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất, củng cố vị thế là một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới. Ảnh minh họa
CEO Sam Altman từ chối đề nghị
Lời đề nghị của ông Elon Musk có thể làm gia tăng căng thẳng kéo dài giữa ông và CEO OpenAI Sam Altman về tương lai của nhà sáng lập ChatGPT - công ty đang ở trung tâm của sự bùng nổ công nghệ AI tạo sinh. Ngay trong ngày 10/2, CEO Sam Altman đã nhanh chóng đăng trên X: “Không, cảm ơn, nhưng nếu anh muốn, chúng tôi sẽ mua Twitter với giá 9,74 tỷ USD”.
Tỷ phú Elon Musk đồng sáng lập OpenAI cùng ông Sam Altman vào năm 2015 dưới dạng một tổ chức phi lợi nhuận nhưng đã rời đi trước khi công ty "cất cánh". Năm 2023, ông thành lập startup AI cạnh tranh có tên là xAI.
Ông Elon Musk, CEO của Tesla (TSLA.O) và chủ sở hữu công ty công nghệ, mạng xã hội X, là một đồng minh thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông đã chi hơn ¼ tỷ USD để giúp Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và hiện đang lãnh đạo Bộ Hiệu quả Chính phủ - một cơ quan mới thuộc Nhà Trắng với nhiệm vụ thu nhỏ bộ máy hành chính liên bang. Gần đây, tỷ phú Elon Musk đã chỉ trích một dự án trị giá 500 tỷ USD do OpenAI dẫn đầu được Tổng thống Donald Trump công bố tại Nhà Trắng.
Hiện tại, OpenAI đang tìm cách chuyển đổi từ một tổ chức phi lợi nhuận sang mô hình vì lợi nhuận, với lý do cần nguồn vốn lớn để phát triển các mô hình AI tiên tiến nhất.
Tỷ phú Elon Musk đã kiện CEO Sam Altman và những người khác vào tháng 8 năm ngoái, cáo buộc họ vi phạm các điều khoản hợp đồng khi đặt lợi nhuận lên trên lợi ích chung trong quá trình thúc đẩy AI. Đến tháng 11/2024, ông yêu cầu một thẩm phán liên bang ban hành lệnh cấm tạm thời nhằm ngăn OpenAI chuyển đổi sang mô hình vì lợi nhuận.
Đơn kiện của tỷ phú Elon Musk chống lại OpenAI và CEO Sam Altman tuyên bố rằng, ban đầu, các nhà sáng lập đã tiếp cận ông để kêu gọi tài trợ cho một tổ chức phi lợi nhuận với mục tiêu phát triển AI vì lợi ích nhân loại, nhưng hiện nay, công ty lại tập trung vào việc kiếm lợi nhuận.
“Đã đến lúc OpenAI cần phải trở lại với mục tiêu ban đầu là một tổ chức vì lợi ích chung, tập trung vào mã nguồn mở và an toàn”, tỷ phú Elon Musk nói hôm 10/2. “Chúng tôi sẽ đảm bảo để điều đó xảy ra”.
Tỷ phú Elon Musk và Microsoft (MSFT.O), một nhà đầu tư vào OpenAI, chưa phản hồi ngay lập tức trước các yêu cầu bình luận.
“Lời đề nghị của tỷ phú Elon Musk tạo thêm một trở ngại nữa trong nỗ lực của OpenAI nhằm loại bỏ quyền kiểm soát của tổ chức phi lợi nhuận đối với tổ chức vì lợi nhuận của mình”, bà Rose Chan Loui, giám đốc điều hành Trung tâm Luật về Từ thiện và Phi lợi nhuận của UCLA, nói.
“Đề nghị này đặt ra một mức định giá cho lợi ích kinh tế của tổ chức phi lợi nhuận”, bà nói. “Nếu OpenAI định giá lợi ích của tổ chức phi lợi nhuận thấp hơn mức tỷ phú Elon Musk đề xuất thì họ sẽ phải giải thích lý do”.
Nhóm các nhà đầu tư do tỷ phú Elon Musk dẫn đầu bao gồm startup AI của ông – xAI, Baron Capital Group, Emanuel Capital và một số bên khác.
Theo Wall Street Journal - tờ báo đầu tiên đưa tin về đề nghị của ông Elon Musk vào ngày 10/2 - xAI có thể sáp nhập với OpenAI nếu thỏa thuận được thực hiện. Các nguồn tin của một hãng truyền thông Mỹ cho biết, xAI gần đây đã huy động được 6 tỷ USD từ các nhà đầu tư, với mức định giá 40 tỷ USD.
‘Làm xáo trộn mọi thứ’
“Đề nghị này chắc chắn đang làm xáo trộn tình hình”, ông Jonathan Macey, giáo sư Trường Luật Yale chuyên về quản trị doanh nghiệp, nhận định.
“Tổ chức phi lợi nhuận được lập ra để tiếp nhận tiền tài trợ nhằm thực hiện các hoạt động vì lợi ích chung. Nếu OpenAI muốn bán nó cho một bên khác với mức giá thấp hơn, thì đây sẽ là một vấn đề liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của những người hưởng lợi từ tổ chức phi lợi nhuận này”.
OpenAI được định giá 157 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất, củng cố vị thế là một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới. Theo một hãng truyền thông Mỹ, SoftBank Group (9984.T) đang đàm phán để dẫn đầu một vòng gọi vốn lên đến 40 tỷ USD cho OpenAI, nâng mức định giá công ty lên 300 tỷ USD, bao gồm cả số vốn mới này.
Ngoài các vấn đề về luật chống độc quyền, một thỏa thuận có quy mô như vậy sẽ đòi hỏi tỷ phú Elon Musk và tập đoàn của ông huy động một lượng vốn khổng lồ.
Theo dữ liệu từ LSEG, cổ phần của tỷ phú Elon Musk tại Tesla hiện trị giá khoảng 165 tỷ USD, nhưng khả năng vay thế chấp từ các ngân hàng của ông có thể bị hạn chế sau khi chi 44 tỷ USD mua lại Twitter trong năm 2022.
Một nhà đầu tư ngân hàng giấu tên cho biết, để tài trợ cho thương vụ này, tỷ phú Elon Musk có thể bán một phần cổ phần của mình tại Tesla, vay thế chấp từ số cổ phần đó, hoặc sử dụng cổ phần tại SpaceX – công ty tên lửa trị giá hàng chục tỷ USD – làm tài sản đảm bảo.
“Đề nghị của tỷ phú Elon Musk mua lại tổ chức phi lợi nhuận của OpenAI có thể làm phức tạp đáng kể quá trình huy động vốn hiện tại của OpenAI cũng như kế hoạch chuyển đổi sang công ty vì lợi nhuận”, Gil Luria, nhà phân tích tại D.A. Davidson, nhận định.
“Đề nghị này dường như được hậu thuẫn bởi những nhà đầu tư có uy tín hơn… OpenAI có thể không thể phớt lờ nó. Hội đồng quản trị OpenAI sẽ có trách nhiệm ủy thác để quyết định liệu đây có phải là một đề nghị tốt hơn hay không, điều này có thể khiến lời đề nghị từ SoftBank bị đặt dấu chấm hỏi”.
OpenAI được định giá 157 tỷ USD trong vòng gọi vốn gần nhất, củng cố vị thế là một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất thế giới. Theo một hãng truyền thông Mỹ, SoftBank Group (9984.T) đang đàm phán để dẫn đầu một vòng gọi vốn lên đến 40 tỷ USD cho OpenAI, nâng mức định giá công ty lên 300 tỷ USD, bao gồm cả số vốn mới này.
Minh Hiền
Theo Reuters