Hình ảnh do Intuitive Machines cung cấp về hoạt động của tàu đổ bộ Odysseus trên Mặt Trăng, ngày 22/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Trên trang mạng xã hội X, ông Musk gọi ý tưởng này là "thú vị", phản ánh sự quan tâm của ông đối với các giải pháp năng lượng bền vững cho các sứ mệnh không gian tương lai.
Dự án này là một phần trong kế hoạch phát triển Trạm Nghiên cứu Mặt Trăng Quốc tế (ILRS) được hợp tác thực hiện giữa cơ quan vũ trụ Liên bang Nga Roscosmos và Cơ quan Quản lý Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA). Theo Roscosmos, nhà máy điện hạt nhân sẽ cung cấp nguồn năng lượng ổn định để duy trì các hoạt động nghiên cứu khoa học và hỗ trợ các khu định cư trong tương lai trên Mặt Trăng.
Ông Yuri Borisov - Giám đốc Roscosmos - cho biết năng lượng hạt nhân được xem là giải pháp vượt trội để khắc phục những hạn chế của pin mặt trời, vốn không đủ hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt trên Mặt Trăng. Trên Mặt Trăng, ban đêm kéo dài khoảng 14 ngày theo thời gian Trái Đất, khiến pin mặt trời không thể cung cấp năng lượng liên tục, vì vậy năng lượng hạt nhân có thể đảm bảo nguồn điện ổn định cho các hoạt động khoa học và sinh hoạt. Bên cạnh đó, ông Borisov cũng tiết lộ rằng việc sử dụng năng lượng hạt nhân sẽ mở đường cho các sứ mệnh vận chuyển và thám hiểm không gian trong tương lai, giúp hiện thực hóa tham vọng xây dựng sự hiện diện lâu dài của con người trên Mặt Trăng.
Tàu đổ bộ thông minh SLIM của Nhật Bản hạ cánh xuống bề mặt Mặt Trăng, ngày 20/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Ý tưởng xây dựng nhà máy điện hạt nhân không chỉ giúp giải quyết bài toán năng lượng mà còn là một bước tiến lớn trong hợp tác giữa Nga và Trung Quốc, hai cường quốc đang đặt mục tiêu thiết lập sự hiện diện bền vững trên vệ tinh tự nhiên của Trái Đất. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ cũng đang phát triển các hệ thống năng lượng hạt nhân tiên tiến để hỗ trợ các sứ mệnh không gian của mình, bao gồm cả việc khám phá Sao Hỏa trong tương lai.
Hoàng Anh/Báo Tin tức (Theo RT/the-sun.com)