Tỷ phú Elon Musk. Ảnh: Getty Images
Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, tỷ phú Elon Musk, nhà sáng lập Tesla và SpaceX, cho biết ông đang thành lập một đảng chính trị mới, mà ông gọi là "Đảng Nước Mỹ". "Khi nói đến việc phá sản đất nước bằng lãng phí và tham nhũng, chúng ta đang sống trong một hệ thống một đảng, không phải dân chủ... Hôm nay, đảng Nước Mỹ (America Party) được thành lập để trả lại tự do cho các bạn", ông Musk viết.
Độc lập khỏi hệ thống hai đảng
Ông Musk đã dẫn chiếu một cuộc thăm dò ý kiến được đăng tải trên X vào 4-7, ngày Quốc khánh Mỹ, trong đó ông hỏi liệu người tham gia "có muốn độc lập khỏi hệ thống hai đảng (một số người gọi là hệ thống một đảng)" vốn thống trị chính trường Mỹ trong suốt hai thế kỷ qua hay không. Cuộc khảo sát có hơn 1,2 triệu lượt phản hồi. Trước đó, theo tờ Politico, ngày 30-6, tỷ phú Musk cũng đã nói về ý tưởng thành lập đảng chính trị mới. Ông viết trên X: "Đảng Nước Mỹ sẽ được thành lập vào ngày hôm sau. Nước Mỹ cần lựa chọn thay thế cho "liên đảng" Dân chủ - Cộng hòa, để người dân thực sự có tiếng nói". Ông bổ sung: "Đã đến lúc có một đảng chính trị mới thực sự quan tâm đến người dân".
Ông Musk, người giàu nhất thế giới, là nhà tài trợ chính trị lớn nhất của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2024. Ông Musk từng lãnh đạo nỗ lực cắt giảm chi tiêu và nhân lực liên bang với tư cách người đứng đầu Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE). Ông Musk cũng bất đồng quan điểm với ông Trump về kế hoạch chi tiêu được gọi là "Đạo luật to đẹp" và tuyên bố sẽ làm mọi cách có thể để đánh bại những nghị sĩ đã bỏ phiếu cho kế hoạch này. Ông Musk chỉ trích cả đảng Dân chủ và Cộng hòa với lý do thâm hụt ngân sách chính phủ tăng mạnh khi hai đảng này điều hành đất nước. Ông cho biết muốn xây dựng một đảng bảo thủ về tài chính, kiểm soát chặt chẽ chi tiêu, song đưa ra ít chi tiết khác về cương lĩnh của đảng.
Nhiều thách thức và rào cản
Hiện chưa rõ đảng mới của ông Musk sẽ tác động như thế nào đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 và bầu cử tổng thống năm 2028. Ông Musk không thể tranh cử tổng thống theo quy định từ hiến pháp Mỹ vì ông sinh ra ở Nam Phi, nhưng việc ông thành lập đảng mới có thể khiến đảng Cộng hòa đánh mất nhiều cử tri ủng hộ. Nhiều cử tri Mỹ vẫn trung thành với đảng phái mà họ lựa chọn, trong khi đường ranh giữa các đảng chính trị ngày càng có xu hướng dịch chuyển và biến đổi, phản ánh sự thay đổi trong quan điểm và ưu tiên của từng lực lượng trong bối cảnh mới.
Dù tuyên bố mạnh mẽ, ông Musk chưa đưa ra chi tiết cụ thể nào về việc vận hành hay cấu trúc của "đảng nước Mỹ". Giới chuyên gia cảnh báo rằng việc thành lập một đảng chính trị mới tại Mỹ là quá trình phức tạp, tốn kém và đầy rẫy rào cản pháp lý. "Chỉ người giàu nhất thế giới mới có thể nghiêm túc theo đuổi mục tiêu lập đảng mới tại Mỹ", luật sư kỳ cựu về bầu cử Brett Kappel chia sẻ nhận định với CBS News.
Mỗi bang tại Mỹ có luật riêng quy định điều kiện để đảng chính trị được công nhận và xuất hiện trên lá phiếu. Nhiều bang yêu cầu số lượng lớn chữ ký cử tri hoặc tỷ lệ phiếu bầu nhất định trong các kỳ bầu cử. Ở cấp liên bang, mỗi đảng cấp bang cần xin ý kiến tư vấn từ Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC). Ngoài ra, đảng mới gần như chắc chắn sẽ đối mặt với kiện tụng từ 2 đảng lớn (Dân chủ và Cộng hòa) về tính hợp lệ của chữ ký hoặc quy trình đăng ký, buộc ông Musk phải chi rất nhiều tiền cho luật sư. "Luật của tất cả các bang đều thiên vị 2 đảng lớn và khiến việc thành lập đảng thứ 3 khó khăn hết mức có thể", ông Kappel nói thêm.
Ngoài ra, theo CBS News, ngay cả khi có nguồn lực tài chính khổng lồ, quá trình tạo lập một đảng có sức ảnh hưởng toàn quốc cũng cần nhiều năm. Ông Kappel đánh giá Musk có thể đưa một số ứng viên yêu thích ra tranh cử ở vài bang, nhưng để tạo nên một hệ thống đảng mới mang tầm vóc quốc gia sẽ không thể hoàn tất trước cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026. Lịch sử chính trị Mỹ cho thấy việc thành lập một đảng thứ ba thành công là nhiệm vụ gần như bất khả thi. Các đảng nhỏ như đảng Xanh hay đảng Tự do dù tồn tại hàng chục năm vẫn phải vất vả đấu tranh để được ghi danh và hiện diện trên lá phiếu tại từng bang.
Với tất cả những thách thức này, tham vọng thành lập đảng mới của tỷ phú Elon Musk, dù được hậu thuẫn bởi tài chính khổng lồ và ảnh hưởng truyền thông, vẫn phải đối mặt với những rào cản cấu trúc sâu sắc của hệ thống chính trị Mỹ.
AN BÌNH