Tỷ phú Hàn Quốc 36 tuổi gây chú ý

Tỷ phú Hàn Quốc 36 tuổi gây chú ý
11 giờ trướcBài gốc
Kim Byung-hoon là cái tên được chú ý trong ngành K-beauty. Ảnh: APR.
Trong một đoạn video dài 15 giây gây bão trên TikTok, Kylie Jenner lướt nhẹ một thiết bị màu bạc bóng loáng trên gương mặt, khẳng định công dụng giúp dưỡng chất thẩm thấu hiệu quả hơn.
Thiết bị mang tên Booster Pro nhanh chóng trở thành hiện tượng, kéo theo ánh hào quang cho APR Corp. Đây là công ty khởi nghiệp tại Seoul (Hàn Quốc), trở thành trung tâm của cơn sốt K-beauty - thuật ngữ chỉ các sản phẩm làm đẹp xuất khẩu của Hàn Quốc.
Đứng sau công ty này là Kim Byung-hoon (36 tuổi). Từ một doanh nhân công nghệ, anh trở thành ông trùm ngành làm đẹp. Với 31% cổ phần APR, Kim sở hữu khối tài sản trị giá khoảng 1,3 tỷ USD theo chỉ số tỷ phú Bloomberg. Số liệu này được ghi nhận sau khi cổ phiếu công ty tăng 200% chỉ trong năm nay.
Tỷ phú 36 tuổi
Kim bắt đầu khởi nghiệp với các ứng dụng di động, từng phát triển một app hẹn hò sau khi du học tại California (Mỹ) hơn 10 năm trước. Chính tại đây, anh chứng kiến làn sóng smartphone bùng nổ và bén duyên với tinh thần khởi nghiệp.
Bước ngoặt sang lĩnh vực chăm sóc da diễn ra vào năm 2014, khi Kim thành lập APR với mảng kinh doanh mỹ phẩm. Đến năm 2021, công ty mở rộng sang thiết bị làm đẹp công nghệ cao. Theo Shin Jae-ha, Giám đốc Tài chính của APR, Kim là người sử dụng sản phẩm của công ty trong 30 phút mỗi ngày.
Kim Byung-hoon sở hữu vẻ ngoài điển trai và khối tài sản lớn. Ảnh: TikTok.
Trước đây, Kim từng chia sẻ đoạn video so sánh làn da trước và sau khi sử dụng thiết bị của APR trên mạng xã hội. Tuy nhiên, vài năm gần đây, anh dần rút lui khỏi không gian trực tuyến, giữ hình ảnh kín tiếng hơn trong bối cảnh công ty ngày càng nổi tiếng.
Từng nói rằng mình chịu ảnh hưởng từ mô hình kinh doanh của Apple và Tesla, Kim chia sẻ với truyền thông trong lần đăng bài cuối cùng trên Instagram: “Nếu ai hỏi mục tiêu nghề nghiệp của tôi là gì, tôi sẽ nói muốn xây dựng một công ty ai cũng biết đến. Giống như Apple, chúng tôi muốn tạo ra những sản phẩm khiến APR trở thành công ty sáng tạo nhất trong ngành làm đẹp”.
Vì Kim ngày càng kín tiếng trên mạng xã hội, cuộc sống riêng của nhà sáng lập này nhanh chóng gây chú ý tại Hàn Quốc. Ngoại hình điển trai và khối tài sản lớn của anh luôn thu hút sự quan tâm từ phía công chúng.
Mới đây, anh mua một căn penthouse tại khu Seongsu-dong sang trọng ở Seoul với giá 29 tỷ won (tương đương 21 triệu USD). Đây là mức giá kỷ lục tính theo mét vuông tại Hàn Quốc. Khu căn hộ này cũng là nơi sinh sống của nhiều ngôi sao điện ảnh và vận động viên nổi tiếng, đánh dấu vị thế mới của Kim trong giới tỷ phú trẻ Hàn Quốc.
Dù sở hữu khối tài sản khổng lồ, Kim vẫn giữ lối điều hành sát sao. Anh có mặt tại văn phòng mỗi ngày, theo dõi sát xu hướng người tiêu dùng, tổ chức họp chiến lược cùng ban lãnh đạo kể cả cuối tuần.
Công ty khởi nghiệp 'lên như diều gặp gió'
Sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán vào năm ngoái, APR trở thành công ty làm đẹp có giá trị giao dịch lớn thứ 2 Hàn Quốc, với vốn hóa hơn 4 tỷ USD.
Sự ủng hộ từ các nhân vật có tầm ảnh hưởng thể hiện sức hút ngày càng lớn của K-beauty. Từ thị trường Gen Z và cộng đồng gốc Á tại Mỹ, K-beauty giờ lan rộng tới “sân chơi” đại chúng. Doanh số mỹ phẩm Hàn tại Mỹ tăng 56%, đạt 1,9 tỷ USD trong năm ngoái.
Khi làn sóng K-pop và phim Hàn lan tỏa toàn cầu, các sản phẩm từ thương hiệu chủ lực Medicube của APR cũng bắt đầu được giới nghệ sĩ ưa chuộng. Hailey Bieber lần đầu đăng ảnh dùng mặt nạ gel của hãng vào cuối năm 2023 mà không nhận tài trợ, theo phía công ty. Sức hút tự nhiên đó mở đường cho các chiến dịch quảng bá quy mô lớn năm 2024 với sự tham gia của Kylie Jenner, Kendall Jenner và Khloe Kardashian.
“Giờ đây, K-beauty vượt ra khỏi nhóm người tiên phong, đến với số đông”, Shin, cựu chuyên viên ngân hàng M&A tại HSBC, người gia nhập APR năm 2016, nhận định.
APR cho thấy lối đi riêng, khẳng định vị thế trong ngành K-beauty. Ảnh: APR.
Không đi theo lối mòn của các thương hiệu truyền thống vốn phụ thuộc vào cửa hàng miễn thuế hoặc thị trường Trung Quốc, APR chọn hướng đi riêng. Công ty tập trung vào chiến dịch TikTok và các thiết bị chăm sóc da hiện đại.
“Các công ty K-beauty có khả năng thực hiện marketing kỹ thuật số tốt thường phát triển nhanh hơn trong thương mại điện tử”, Eun-Jung Park, nhà phân tích tại Hana Securities, nhận xét.
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu mỹ phẩm lớn nhất của Hàn Quốc, nhưng Mỹ đang tăng trưởng nhanh và mang lại biên lợi nhuận cao hơn nhờ hệ thống bán lẻ cao cấp. Hiện nay, hơn 70% doanh thu APR đến từ thị trường nước ngoài, trong đó Mỹ là đầu tàu lớn nhất.
Công ty chuẩn bị cho bước đi lớn tại Mỹ. Từ tháng 8, các sản phẩm Medicube sẽ được bày bán tại chuỗi bán lẻ mỹ phẩm Ulta Beauty trên toàn quốc, mở rộng kênh phân phối ngoài các nền tảng trực tuyến như Amazon và website riêng.
“APR là một trong những công ty có thế mạnh marketing nổi bật nhất trong ngành. Medicube hiện dẫn đầu doanh số tại Mỹ trong nhóm thương hiệu K-beauty”, Park nói.
Dòng sản phẩm hiện tại của APR tập trung vào chống lão hóa, dưỡng ẩm và làm sáng da, đồng thời cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe.
Dù vậy, APR vẫn đối mặt với áp lực thương mại toàn cầu. Hiện nay, công ty chịu mức thuế 10% khi nhập khẩu sản phẩm làm đẹp vào Mỹ. Đây là mức thuế mà Shin gọi là “có thể kiểm soát”. Tuy nhiên, căng thẳng thương mại leo thang hoặc chính sách siết chặt nhập khẩu từ châu Á của Mỹ có thể ảnh hưởng đến đà tăng trưởng nhanh chóng của APR.
Trong khi đó, Shin kỳ vọng doanh thu APR đạt 1.000 tỷ won (khoảng 730 triệu USD) trong năm nay.
Linh Vũ
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/ty-phu-han-quoc-36-tuoi-gay-chu-y-post1566966.html