Ngày 20/1, ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Donald Trump lần thứ hai tuyên bố rằng ông sẽ rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris và chấm dứt tài trợ khí hậu quốc tế. Ông đã từng làm việc này trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.
Ngoài Thỏa thuận Paris, ông Trump cũng đã ký một sắc lệnh hành pháp rút Mỹ khỏi Tổ chức Y tế thế giới (WHO). WHO có ngân sách 7,89 tỉ USD vào năm 2022 - 2023, trong đó Washington đóng góp 16,3%.
Đối với Thỏa thuận Paris, trong đó có phí khí hậu, tỷ phú Bloomberg cho biết từ năm 2017 đến năm 2020, trong giai đoạn chính quyền liên bang không hành động, các thành phố, tiểu bang, doanh nghiệp và công chúng đã cùng nhau vượt qua thách thức để duy trì các cam kết của quốc gia. "Và hiện tại, chúng tôi đã sẵn sàng làm lại điều đó", tỷ phú Bloomberg, đặc phái viên của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nói.
Tỷ phú Michael Bloomberg. (Ảnh: Reuters)
Năm 2017, ông Bloomberg đã cam kết tài trợ tới 15 triệu USD cho UNFCCC.
Trước đó, Washington thường đóng góp 22% ngân sách của ban thư ký UNFCCC, với chi phí hoạt động của cơ quan này trong giai đoạn 2024 - 2025 dự kiến là 96,5 triệu USD. Ban thư ký có nhiệm vụ hỗ trợ phản ứng toàn cầu đối với các mối đe dọa về khí hậu và tổ chức các hội nghị khí hậu quốc tế, hội nghị tiếp theo sẽ là COP30 được tổ chức tại Brazil vào tháng 11/2025.
UNFCCC là một cơ quan của Liên Hợp Quốc điều hành đàm phán về khí hậu thường niên giữa gần 200 quốc gia, đảm bảo các bên thực hiện cam kết đưa ra, gồm Thỏa thuận Paris năm 2015.
"Những đóng góp như thế này rất quan trọng trong việc giúp Ban thư ký biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc hỗ trợ các quốc gia thực hiện các cam kết của họ theo Thỏa thuận Paris và thúc đẩy tương lai phát thải thấp, kiên cường và an toàn hơn cho tất cả mọi người", ông Simon Stiell, giám đốc khí hậu của Liên hợp quốc, cho biết.
Động thái này của tỷ phú truyền thông được giới phân tích ca ngợi, cùng niềm tin các doanh nghiệp, quỹ và một số tiểu bang có thể lấp đầy khoảng trống khi Mỹ ngưng hợp tác khí hậu quốc tế.
Minh Thành