Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa, hạn chế một số nguy cơ tiềm ẩn thông qua tích cực vận động, duy trì tập luyện thể dục thể thao. Ảnh: N. Hòa
Bệnh u não là bệnh lý liên quan đến sự phát triển bất thường của tế bào trong não bộ. U não gồm 2 dạng cơ bản: U não lành tính (không chứa tế bào ác tính gây ung thư) và u não ác tính (có chứa tế bào ác tính gây ung thư). Mặc dù bất cứ loại u não lành tính hay ác tính, khối u phát triển trong khu vực ở não bộ vẫn gây nguy hiểm cho người bệnh. Trong đó, đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương là trẻ em dưới 14 tuổi. Ngay là khi được điều trị thành công, bệnh vẫn có thể để lại di chứng, ảnh hưởng đến nhận thức cho trẻ.
Cho đến nay, nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của u não vẫn chưa được rõ. Tuy vậy, một số tác nhân tiềm ẩn từ môi trường, di truyền có thể làm tăng tỷ lệ mắc bệnh. Tuổi tác (người cao tuổi thường có nguy cơ mắc u não cao hơn, ngoài trừ một số trường hợp trẻ dưới 15 tuổi cũng có khả năng bị u não); di truyền (người sinh ra trong gia đình có người bị u não dễ bị mắc bệnh hơn); chế độ ăn uống thiếu lành mạnh (ăn ít rau hay trái cây, không bổ sung đủ vitamin, lạm dụng các loại thực phẩm giàu nitrit như: thịt hun khói, thực phẩm lên men, đồ ướp muối qua đêm...); thừa cân, béo phì; nhiễm hóa chất; ảnh hưởng của bức xạ…
Hầu hết khối u não đều tiến triển tương đối chậm. Triệu chứng ở người bị u não thường không rõ nét, dễ khiến người bệnh chủ quan. Kích thước khối u lớn dần thì mới có dấu hiệu rõ ràng. Các dấu hiệu phổ biến, gồm: Đau đầu; buồn nôn, nôn ói; suy giảm thị giác, thính giác; gặp khó khăn khi giao tiếp; tứ chi yếu... Ngoài một số biến chứng ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, người bệnh có thể suy giảm khả năng giao tiếp, mất khả năng vận động, suy đa tạng dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, nếu được chữa trị kịp thời, tỷ lệ sống thêm 5 năm của người bệnh vẫn có thể đạt 80% - 90% tùy trường hợp.
Thực tế, rất khó để phòng ngừa u não. Bởi nguyên nhân chính dẫn đến sự hình thành của các khối u trong não vẫn chưa được xác định chính xác. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể chủ động phòng ngừa, hạn chế một số nguy cơ tiềm ẩn thông qua việc áp dụng những thói quen tốt như: Từ bỏ sử dụng chất kích thích như thuốc lá, bia, rượu; nghỉ ngơi điều độ, không làm việc quá sức; áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh thực phẩm giàu vitamin, chất xơ, thực phẩm tươi. Đồng thời, hạn chế một số loại thực phẩm chứa một lượng lớn nitrit; tích cực vận động, duy trì tập luyện thể dục thể thao vừa sức hằng ngày và hạn chế tiếp xúc với nguồn phóng xạ, tránh xa nguồn phóng xạ.
TS. BS. Nguyễn Đức Hoàng