Nghề “hot” cho người lao động tuổi trung niên
Trong bối cảnh thị trường lao động có sự phân hóa rõ rệt, có một nghịch lý đang diễn ra: nhiều ngành nghề văn phòng đặt ra giới hạn tuổi tác khắt khe, thường dưới 35. Trong khi đó, lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi lại có nhu cầu thị trường tăng vọt, mở ra cơ hội việc làm cho cả những người ở độ tuổi 50, 60. Ngoài ra, lĩnh vực này cũng đang thu hút rất nhiều người trẻ tham gia khi có thể mang lại thu nhập ổn định.
Ảnh minh họa
Tại Trung Quốc - nơi “nền kinh tế bạc” đang tạo ra những nhu cầu tuyển dụng khổng lồ trong lĩnh vực chăm sóc người già, nhiều người đã từ bỏ công việc quen thuộc để chuyển sang làm nghề này.
Wang Ru Fang (49 tuổi) và đồng nghiệp Cui Heng Xia (51 tuổi) thường đến một căn nhà tại thị trấn Hu Ji, thành phố Hai An để chăm sóc ông Jiang (77 tuổi) - bị liệt nửa người do đột quỵ cách đây vài năm. Đây là khách quen của cả hai. Sau khi trao đổi đơn giản với người bệnh, họ bắt đầu đo nhịp tim, nhịp thở, huyết áp và bắt đầu quá trình phục vụ kéo dài 70 phút.
Nội dung công việc bao gồm cạo râu, gội đầu, lau người và một số việc chăm sóc cá nhân khác. Con dâu ông Jiang cho biết, sau khi bố chồng bị đột quỵ, vợ chồng cô đã đảm nhận trách nhiệm chăm sóc ông và đó là một gánh nặng lớn. Nhờ sử dụng dịch vụ chăm sóc tận nhà, họ đã giảm bớt rất nhiều áp lực.
Theo bà Ru Fang chia sẻ, họ sẽ cung cấp dịch vụ chăm sóc tận nhà cho mỗi khách hàng 2 lần/tuần vào thời gian và địa điểm cố định. Sau khi có sự đồng ý của gia đình khách hàng, toàn bộ quá trình chăm sóc có thể được ghi hình lại, sau đó check-in theo thời gian thực rồi tải video lên đám mây để bộ phận quản lý xem lại và kiểm tra. Bước này cũng nhằm mang lại sự đảm bảo cho khách hàng và người nhà của khách hàng.
Thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm
Ông Ru Ying - Giám đốc công ty TNHH Công nghệ y tế Hai An Lin Lu cho biết, công ty hiện có 29 nhân viên tại Hai An, chủ yếu là nữ giới. Người trẻ nhất 31 tuổi và hầu hết nhân viên đều ở độ tuổi từ 50-55. Giới hạn đơn hàng tối đa có thể nhận được mỗi ngày sẽ có sự khác biệt tùy theo nhóm tuổi.
Ảnh minh họa
Ngoài ra, để xử lý các trường hợp khẩn cấp, công ty còn có một số nhân viên “dự phòng” làm việc bán thời gian. Ông cũng cho biết thêm, đối với các nhân viên trong công ty, đây là công việc ổn định với tính tự do cao.
Cô Ru Fang trước khi chuyển sang công việc ổn định này từng tự kinh doanh một quầy bán đồ ăn vặt. Cô thường phải dậy từ 4 giờ sáng mỗi ngày để chuẩn bị nguyên liệu và làm việc đến sau 10 giờ tối.
Khi tuổi tác lớn dần, cô bắt đầu cảm thấy nghề này quá sức chịu đựng. Vì vậy, cô đã chuyển sang nghề chăm sóc người già. Với cô, đây là một lựa chọn tốt, có thể cân bằng giữa việc đi làm và chăm sóc gia đình.
Mới đây, cô cũng đã vượt qua kỳ thi cấp chứng chỉ nhân viên chăm sóc dài hạn đầu tiên của Trung Quốc vào giữa tháng 4 vừa qua. Cô cũng mong muốn nâng cao hơn nữa các kỹ năng chuyên môn và tăng cường khả năng cạnh tranh tại nơi làm việc trong tương lai.
Yang Xiao Qiao - một cựu nhân viên tại phòng khám và hiệu thuốc cũng đã chuyển sang nghề chăm sóc tận nhà từ năm 2020. Với kinh nghiệm làm việc tại phòng khám và được đào tạo chuyên nghiệp trước khi vào làm, từ hỗ trợ người cao tuổi lật người, massage lưng để tống đờm ra khỏi cơ thể, hỗ trợ đưa người cao tuổi ra vào giường... Xiao Qiao đều nắm bắt công việc một cách nhanh chóng.
Ảnh minh họa
Xiao Qiao cho biết, cô chỉ nghỉ khoảng 1 ngày/tuần. Thời gian còn lại, cô bận rộn từ sáng đến tối. Theo Xiao Qiao nhận định, dịch vụ chăm sóc chuyên nghiệp rất quan trọng đối với những người bệnh phải nằm liệt giường trong thời gian dài, có thể giúp họ giải tỏa hiệu quả căng thẳng về thể chất và tâm lý của người cao tuổi.
Đối với cô, công việc này khiến cô cảm thấy vô cùng hài lòng và tự hào. Với kỹ năng trong tay, cô sẽ không phải lo lắng. Cô cũng cho rằng chứng chỉ chăm sóc dài hạn rất có giá trị và có nhu cầu rất lớn trong ngành. Hiện tại, cô không còn phải lo lắng về tìm việc làm trong tương lai nữa. Được biết, thu nhập hàng năm của cô hiện rơi vào khoảng 80.000 NDT (hơn 281 triệu đồng).
Wang Jing Li (sinh năm 1985) - đồng nghiệp của Xiao Qiao cũng đã lấy được chứng chỉ nhân viên chăm sóc dài hạn. Khi mới bắt đầu công việc, chị Li đã nhận phải nhiều cái nhìn kỳ lạ từ những người xung quanh bởi chị còn quá trẻ để làm nghề này.
Thực tế, cha của chị Li từng bị tai nạn xe hơi cách đây nhiều năm và họ đã thuê một y tá chăm sóc ông tại bệnh viện. Tuy nhiên, y tá chỉ có thể chăm sóc cơ bản, còn chị Li và các anh em trong nhà lại không có kiến thức về điều dưỡng. Họ cảm thấy tội lỗi khi không thể chăm sóc tốt cho cha lúc đó. Sau sự việc ấy, chị Li bắt đầu chú ý đến ngành chăm sóc tận nhà. Năm 2019, chị đã chính thức vào nghề.
Hương Nguyễn (Theo Tonghuashun Finance)