Uẩn khúc sau câu chuyện nữ sinh 'sẽ bị chặt ngón tay', yêu cầu bố mẹ chuyển tiền

Uẩn khúc sau câu chuyện nữ sinh 'sẽ bị chặt ngón tay', yêu cầu bố mẹ chuyển tiền
8 giờ trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Thông tin trên báo Dân trí, tối 21/7, Công an TP Hà Nội cho biết Công an phường Ô Chợ Dừa vừa kịp thời giải cứu một nữ sinh đại học bị thao túng để chiếm đoạt tài sản.
Theo cơ quan chức năng, khoảng 11h cùng ngày, Công an phường Ô Chợ Dừa tiếp nhận trình báo của ông L.H.T. về việc cháu họ ông là M. (19 tuổi, sinh viên đại học) bị bắt cóc, tống tiền.
Ông T. cho biết khoảng 10h cùng ngày, mẹ của M. ở quê gọi điện cho ông báo M. vừa gọi về gia đình nói rằng bị bắt cóc và cho xem video trên người nữ sinh có nhiều vết thương.
M. yêu cầu gia đình phải chuyển khoản 370 triệu đồng cho các đối tượng, nếu không sẽ bị “chặt ngón tay”.
Xác định tính chất nghiêm trọng của vụ việc, Công an phường Ô Chợ Dừa đã khẩn trương huy động lực lượng điều tra, xác minh vụ việc. Chỉ sau khoảng một giờ nhận tin báo, Công an phường Ô Chợ Dừa đã nhanh chóng tìm được M. đang ở một mình tại một khách sạn trên đường La Thành.
Tại cơ quan công an, M. cho biết bị một nhóm người tự xưng công an, gọi điện thông báo cô liên quan đến một đường dây rửa tiền và buôn bán chất cấm. Các đối tượng yêu cầu cháu phải chuyển tiền vào tài khoản để phục vụ công tác điều tra.
Do không có tiền, M. được các đối tượng hướng dẫn tìm chỗ kín đáo để vẽ lên mặt, người các vết thương giống như bị đánh, rồi liên hệ về gia đình báo mình bị bắt cóc, yêu cầu chuyển tiền chuộc.
Quá lo sợ, M. đã làm theo yêu cầu của các đối tượng trên.
Theo VOV 2, hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (hay bắt cóc tống tiền) là một tội danh được quy định tại Điều 169 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy theo mức độ và tính chất của hành vi, người phạm tội có thể đối mặt với mức án từ 02 năm cho đến 20 năm tù hoặc tù chung thân.
Pháp luật đã có những chế tài rất nghiêm khắc đối với đối tượng có hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhưng trong thực tế, đã có những người giả vờ bị bắt cóc để thử phản ứng, thử lòng của vợ, chồng, người thân, thậm chí có người còn giả vờ bị bắt cóc để lừa tiền của người nhà.
Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Văn phòng luật sư Đồng đội cho rằng việc giả vờ bị bắt cóc để thử lòng người thân hay lừa tiền là một hành vi sai trái và cần phải bị lên án. Tùy thuộc vào mục đích, hành vi và hậu quả gây ra, người thực hiện hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong thực tế, hành vi giả vờ bị bắt cóc để thử lòng người thân hoặc để lừa tiền thường không cấu thành Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản mà có thể thuộc về các tội danh khác. Tuy nhiên, để đánh giá xem hành vi này có đủ yếu tố để cấu thành tội phạm không thì cần phải phân tích kỹ lưỡng từng tùy thuộc vào từng trường hợp.
- Giả vờ bị bắt cóc để thử phản ứng của người thân: Nếu một người tự dàn dựng cảnh bị bắt cóc nhằm thử lòng hoặc kiểm tra phản ứng của vợ, chồng hoặc người thân mà không có ý định chiếm đoạt tài sản, hành vi này thường không bị xem là tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
- Giả vờ bị bắt cóc để lừa tiền: Trường hợp người giả vờ bị bắt cóc để yêu cầu người thân chuyển tiền, với mục đích để chiếm đoạt tài sản, hành vi này có thể cấu thành Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc Tội cưỡng đoạt tài sản.
Nhật Hạ (t/h)
Nguồn Góc nhìn pháp lý : https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/uan-khuc-sau-cau-chuyen-nu-sinh-se-bi-chat-ngon-tay-yeu-cau-bo-me-chuyen-tien-20298.html