Chiếc UAV dài khoảng 6,4 m, được điều khiển từ xa và chứa đầy thuốc nổ, đã tiến vào không phận Kaspiysk – căn cứ của Hạm đội Caspi Nga tại Dagestan, nằm cách xa tiền tuyến Ukraine hàng trăm km.
Video ghi lại giây phút UAV A-22 tấn công 3 tàu chiến của Nga. (Nguồn: Mạng xã hội X)
Khi các thủy thủ Nga hoảng loạn tìm nơi ẩn nấp, UAV A-22 lao thẳng vào nhóm tàu chiến đang neo đậu dọc theo cầu tàu.
Theo cựu cố vấn Bộ Nội vụ Ukraine, ông Anton Gerashchenko, vụ nổ đã gây hư hại cho 3 chiến hạm Nga, bao gồm 2 khinh hạm lớp Gepard – những tàu lớn nhất của Hạm đội Caspi và 1 tàu hộ tống Buyan nhỏ hơn.
Cuộc tấn công này không phải là lần xâm nhập sâu nhất của UAV A-22, nhưng là một trong những lần gây thiệt hại nghiêm trọng nhất.
Trước đó, vào tháng 5, một chiếc A-22 khác đã tấn công một nhà máy lọc dầu ở thành phố Salavat, Nga, cách tiền tuyến Ukraine hơn 1.287 km.
UAV A-22, được cải tiến và sản xuất tại Ukraine, là giải pháp sáng tạo nhằm bù đắp cho sự hạn chế trong việc tiếp cận vũ khí hiện đại từ phương Tây.
Dù Mỹ, Anh và Pháp liên tục từ chối cấp phép cho Ukraine sử dụng tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga, Ukraine vẫn nỗ lực tìm kiếm các phương pháp tấn công mới.
Họ đã cải tiến nhiều loại UAV và tên lửa phòng không tự chế để sử dụng trong các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Chỉ còn 3 tháng trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức, Ukraine lo ngại rằng viện trợ từ Mỹ có thể bị cắt giảm.
Chính quyền ông Trump được cho là có lập trường ít thân thiện với Ukraine hơn so với chính quyền ông Biden hiện tại. Thậm chí, ông Trump từng đe dọa sẽ "cho phép Nga tự do hành động ở châu Âu" và đảng Cộng hòa cũng dần có xu hướng ủng hộ Nga nhiều hơn.
Trước tình hình đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng gửi lời chúc mừng đến ông Trump sau khi ông đắc cử, hy vọng có thể duy trì sự ủng hộ từ phía Mỹ.
Khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Ukraine hầu như không sở hữu vũ khí tấn công tầm xa. Đến nay, họ đã tích lũy được một loạt các phương tiện tấn công được sản xuất trong nước.
Với sự hỗ trợ tài chính từ Litva, Ukraine gần đây đã hoàn thành phát triển một loại UAV mới mang tên Palanytsia, được trang bị động cơ phản lực và có khả năng bay xa tới 640 km. Mặc dù tầm bắn không xa bằng A-22, Palanytsia là một loại tên lửa hành trình lai có thể sản xuất hàng loạt, giúp Ukraine tăng cường khả năng tự chủ trong sản xuất và triển khai.
Chiếc Palanytsia đầu tiên đã được triển khai vào tháng 8, nhắm vào các mục tiêu quan trọng ở Crimea.