Đại tá Nguyễn Huy Sơn, Trưởng phòng tư vấn chuyển giao công nghệ, Viện Cơ khí động lực (Học viện Kỹ thuật Quân sự) cho biết, phương tiện không người lái (UVs) bao gồm phương tiện bay không người lái (UAV), phương tiện mặt đất không người lái (UGV), phương tiện dưới nước không người lái (UUV) đang phát triển mạnh mẽ và có tác động lớn đến nhiều ngành công nghiệp như quốc phòng, giao thông vận tải, nông nghiệp...
Đặc biệt trong quân sự, với ưu tiên bảo vệ và hỗ trợ người lính thì trong tương lai sẽ có sự kết hợp của tất cả các loại UVs. Thị trường UVs cũng phát triển nhanh, theo khảo sát trong năm 2024 quy mô thị trường đã đạt 38,6 tỷ USD, đến năm 2027 sẽ tăng lên 58 tỷ USD. Các khu vực thị trường UVs lớn nhất gồm bắc Mỹ, châu Âu, châu Á - Thái Bình Dương. Mỹ, Trung Quốc và Israel là các quốc gia dẫn đầu về nghiên cứu, phát triển UVs.
Đại tá Nguyễn Huy Sơn cũng nêu một số hạn chế của phương tiện không người lái như độ chính xác của cảm biến, khả năng ra quyết định trong tình huống phức tạp, tuổi thọ pin và năng lượng, va chạm và tai nạn, xâm phạm quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu... Đặc biệt là các vấn đề pháp lý, chi phí để triển khai và tác động đến xã hội, việc làm.
Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Nguyễn Huy Sơn cho rằng phương tiện không người lái đang phát triển mạnh, có tác động đến nhiều ngành. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển lĩnh vực này nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ và nhu cầu lớn từ các ngành. Ông dẫn chứng có những công ty cho thuê hàng nghìn UAV để phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Ở khu vực trưng bày ngoài trời, bên cạnh hàng loạt phương tiện bộ binh, pháo phòng không là hàng chục dàn UAV đa nhiệm.
Các mẫu UAV minh chứng cho năng lực tự chủ trong nghiên cứu, sản xuất công nghiệp quốc phòng của Việt Nam, đáp ứng hiệu quả yêu cầu trong quân sự và dân sự.
Ông Đỗ Văn Long (kỹ sư) đến từ Tổng công ty Công nghiệp công nghệ cao Viettel (Tập đoàn Viettel) cho biết, trong chiến tranh hiện đại, UAV được sử dụng cho nhiều mục đích bao gồm giám sát, trinh sát, dẫn đường mục tiêu, nhiệm vụ tự sát và tấn công hỏa lực.
Thế hệ UAV tiếp theo thường được gọi là UAV đối kháng kết hợp các công nghệ tiên tiến, tấn công dựa trên camera và tự động hóa do AI điều khiển. Các chiến lược tấn công thông minh như bay lượn, bay ở độ cao thấp và tấn công theo bầy đàn phối hợp khiến những UAV này khó bị phát hiện, đánh chặn bởi các hệ thống phòng không thông thường.
Theo ông Long, rõ ràng một công nghệ đơn lẻ là không đủ để đối phó với sự đa dạng và chiến thuật thông minh của UAV hiện đại. Tích hợp nhiều cảm biến và trí tuệ nhân tạo sẽ là xu hướng công nghệ chính trong các hệ thống chống UAV.
Ông Long cho biết, Viettel đã thành công trong phát triển nhiều sản phẩm chống UAV áp dụng các công nghệ tiên tiến, bao gồm tác chiến điện tử, radar, quang điện, UAV, EMP và vũ khí hỏa lực.
Các sản phẩm này cho phép cung cấp các giải pháp tích hợp linh hoạt để phát hiện sớm và đánh chặn hiệu quả các UAV thù địch, từ hệ thống giám sát tầm xa đến tầm trung, hệ thống chống UAV tầm ngắn và các giải pháp chống UAV chiến thuật.
UAV RAV-80 có sải cánh 2,5m, chiều dài 1,3m, chiều cao 0,2m và trọng lượng cất cánh tối đa 15kg. UAV này đạt tốc độ hành trình 80-100km/h, tốc độ tối đa 120km/h, với cự ly hoạt động 80km và thời gian bay liên tục tối đa là 150 phút. Nó được tích hợp các thiết bị hiện đại như hệ thống quang - ảnh nhiệt, thấu kính phản xạ, mồi nhiệt hồng ngoại, khói,...
UAV VUA-SC-3G có khối lượng cất cánh tối đa 26kg, bay liên tục 3 giờ đồng hồ, với vận tốc lên tới 120km/h, bán kính hoạt động 50km, pin bền và khả năng chống chịu gió lên tới cấp 5. Thiết bị này có nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu trên biển, đất liền.
UAV M400-CT2 có sải cánh 3,2m, chiều dài 2,8m, chiều cao 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 110kg, M400-CT2 có tải trọng hiệu quả tối đa 10kg. UAV này đạt tốc độ hành trình từ 200-220km/h, tốc độ tối đa 260km/h, thời gian hoạt động 120 phút. UAV M400-CT2 được dùng cho huấn luyện và thử nghiệm khí tài, tên lửa phòng không tầm trung, tầm gần, đồng thời mô phỏng các nhiệm vụ tác chiến.
UAV DIS-18 cũng được thiết kế làm mục tiêu bay phục vụ huấn luyện, thử nghiệm và đánh giá hiệu quả của hệ thống khí tài, tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa. DIS-18 sở hữu sải cánh 2,8m, chiều dài 3,1m, chiều cao 1,3m, trọng lượng cất cánh tối đa 102kg và tải trọng hiệu quả tối đa 5kg. UAV này đạt tốc độ hành trình 200-250km/h, tốc độ tối đa 360km/h, bán kính hoạt động 100km, thời gian bay 60 phút.
UAV - BXL.01 do nhà máy Z131 thiết kế, chế tạo. Đây là UAV cảm tử mang đầu nổ lõm xuyên giáp, có thể tiêu diệt các mục tiêu như xe tăng, thiết giáp, pháo tự hành, trạm radar.... Khối lượng cất cánh tối đa 10kg, mang đầu nổ 1,2kg, tốc độ bay 100-120km/h và hoạt động cự ly liên tục 10km.
Tại gian trưng bày trong nhà của Viettel nổi bật là dàn UAV trinh sát, UAV cảm tử và UAV đa năng. Tất cả các UAV này Viettel đều làm chủ công nghệ, tự nghiên cứu, phát triển và chế tạo trong nước 100%.
UAV cảm tử (đạn tuần kích) VU-C2 với khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến trường. VU-C2 được trang bị đầu đạn và đầu tự dẫn quang điện tử, tích hợp AI, cho phép tìm kiếm, phát hiện và khóa mục tiêu tự động hoàn toàn và tấn công mục tiêu khi có lệnh của người chỉ huy.
Khí tài này có sải cánh 1,5m, chiều dài 1,1m và trọng lượng cất cánh tối đa 8kg, thời gian hoạt động liên tục 40 phút, đạt tốc độ tấn công mục tiêu tối đa lên đến hơn 130km/h.
UAV trinh sát hạng nhẹ tầm trung VU-R70. Với sải cánh 3,1m, chiều dài 1,7m và trọng lượng cất cánh tối đa 26kg, VU-R70 có thể hoạt động liên tục trong 4,5 giờ và đạt tốc độ tối đa 120km/h. Công nghệ AI tích hợp trên hệ thống camera cũng cho phép VU-R70 tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng mục tiêu tự động hoàn toàn, sau đó chỉ thị mục tiêu cho lực lượng hỏa lực.
Mô hình UAV đa năng tầm xa VU-MALE, có khả năng hoạt động ở cự ly lớn và trong mọi điều kiện thời tiết; mang được nhiều loại khí tài tấn công và trinh sát tầm xa.
Trần Thường
Phạm Hải