Những năm trở lại đây, biến đổi khí hậu đã khiến các tỉnh Tây Nguyên phải chịu những đợt hạn hán kéo dài. Hàng ngàn héc ta cà phê khô khát, gồng mình chịu hạn còn nông dân bất lực nhìn vườn cà phê chết héo vì thiếu nước.
Trong bối cảnh đó, thí nghiệm “Nghiên cứu nhu cầu nước tưới cho cây cà phê sử dụng công nghệ đo SAP-FLOW” thực hiện tại thôn Tân Phú, xã Ia Tóh (Krong Năng, Đắk Lắk) được chú ý. Thí nghiệm đã tập trung đo lường, tính toán lượng nước dựa trên nhu cầu sử dụng của cây cà phê, nhằm tưới đủ lượng nước cho cây vào đúng thời điểm, đảm bảo nguồn nước được sử dụng hiệu quả.
Thí nghiệm này thuộc dự án “Tăng tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên” (từ năm 2021-2025) được chính phủ Úc tài trợ 3.460.000 AUD (hơn 57 tỉ đồng).
Dự án này là một phần của Quan hệ đối tác nghiên cứu kinh tế nông nghiệp của ACIAR- cơ quan của chính phủ Úc chuyên trách về hợp tác nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, phối hợp với các đối tác Việt Nam cùng thực hiện.
Cách tưới đủ nước và đúng thời điểm cây cần
Ông Hoàng Quốc Trung - Nghiên cứu viên của Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên - cho biết lâu nay người dân thường nhìn thấy cây cà phê héo thì tưới, theo quy trình kỹ thuật chung cho cây cà phê là tưới khoảng 400 đến 500 lít nước/gốc.
Ông Hoàng Quốc Trung hướng dẫn nông dân Đỗ Văn Ánh vận hành hệ thống đo lường nhu cầu nước của cây cà phê. Ảnh: ĐỨC HIỀN
Thí nghiệm này sẽ dùng cảm biến cắm trực tiếp vào thân cây, thu thập số liệu về lượng nước mà cây dùng cứ mỗi 30phút/lần vào tất cả thời điểm trong ngày, từ đó tính toán lượng nước cây tiêu thụ để đảm bảo cung cấp đủ nước cho cây sinh trưởng, tránh tưới thừa hoặc thiếu nước.
Cạnh đó, thí nghiệm cũng đo lường các điều kiện ngoại cảnh như nhiệt độ, khí hậu, ánh sáng, độ ẩm,... bằng cảm biến và theo dõi trên ứng dụng điện thoại (app).
Căn cứ vào tính tương quan của các điều kiện đó thì app sẽ báo khi nào cây cần nước và cần thiết tưới nước hay chưa. Ví dụ, khi cảm biến được cắm trong đất báo dữ liệu cho thấy độ ẩm trong đất giảm đến mức độ cảnh báo, app sẽ đề xuất nên tưới nước.
Như vậy, thí nghiệm này vừa đảm bảo vừa tưới đúng lượng nước mà cây cần, vừa tưới đúng thời điểm đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn nước.
Bộ điều khiển trung tâm gắn với các cảm biến được gắn trên thân cây giúp đo lượng nước cây cần. Ảnh: ĐỨC HIỀN
Cảm biến đo lượng nước mà cây sử dụng được gắn trực tiếp trên thân cây cà phê. Ảnh: ĐỨC HIỀN
Theo ông Trung, thí nghiệm này do Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp và Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên thực hiện trong 4 năm từ 2020-2024, ở tại 2 khu vực khí hậu khác nhau, đã đưa ra được một số kết luận, từ đó làm căn cứ đề xuất giảm lượng nước tưới để bảo vệ nguồn nước tưới tại tỉnh Dak Lak.
Một số kết luận là nhu cầu lượng nước mà cây cần khác nhau trong từng điều kiện khác nhau tùy theo mô hình cây cà phê độc canh, mô hình trồng che bóng hay xen canh các loại cây khác. Trong đó, các mô hình che bóng, trồng xen canh thì nhu cầu nước của cây cà phê giảm 20-30% còn mô hình độc canh thì lượng nước tương đương và xấp xỉ khuyến cáo quy trình kỹ thuật chung là 400 đến 500 lít nước/gốc.
Kết quả khả quan
Ông Đỗ Văn Ánh, chủ nông hộ được tiến hành thí nghiệm trên 1 héc ta, chia sẻ rằng mô hình thí nghiệm này rất hữu ích khi kết quả được áp dụng để điều hòa lượng nước tưới, tránh thừa hay thiếu, đáp ứng được nhu cầu của nông dân trồng cà phê trong bối cảnh thiếu nước do hạn hán kéo dài.
Nhờ ứng dụng thí nghiệm này, 1 héc ta rẫy nhà ông Ánh trồng cà phê xen canh với hồ tiêu và mắc ca đã tiết kiệm được một lượng nước nhất định, tiền công tưới cà phê cũng như tiền điện bơm nước tưới.
ThS Châu Thị Minh Long, Phó trưởng bộ môn Hệ thống Nông nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết với sự tài trợ và hợp tác từ phía Úc, dự án "Tăng tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên” đã giúp nâng cao năng lực của cán bộ nghiên cứu nông nghiệp và tạo ra hiệu quả trực tiếp đối với nông dân trồng các cây công nghiệp chủ lực tại Tây Nguyên.
ThS Châu Thị Minh Long, đại diện dự án “Tăng tính bền vững, năng suất và giá trị kinh tế của các hệ thống canh tác và chuỗi giá trị cà phê và hồ tiêu ở Tây Nguyên”, hy vọng Úc sẽ tiếp tục hỗ trợ giai đoạn tiếp theo của dự án. Ảnh: ĐỨC HIỀN
Theo Ths Long, với kết quả nghiên cứu khả quan như trong thí nghiệm đo lường lượng nước nói trên, dù dự án sẽ kết thúc năm nay nhưng ban quản lý dự án sẽ đề xuất tiếp tục giai đoạn hai. Nếu được như vậy, thí nghiệm có thể mở rộng sang các vùng có điều kiện khí hậu khác, để đưa ra những đề xuất về thay đổi quy trình kỹ thuật tưới cho cây cà phê đã được ban hành.
Một trong những chiến lược hợp tác của ACIAR với Việt Nam đến năm 2027 là nâng cao năng lực nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam, đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Tây Bắc, để tăng trưởng bền vững. Chính vì lẽ đó, ThS Long hy vọng rằng phía Úc sẽ tiếp tục ủng hộ và đồng hành cùng dự án trong giai đoạn hai.
Nông dân cảm nhận được kết quả hợp tác Việt-Úc
Phó Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM Brent Stewart cho biết chiến lược chung của ACIAR là làm việc với các đối tác cả công và tư nhân tại Việt Nam để giúp các đối tác đó phát triển năng lực của chính mình, đặc biệt là nghiên cứu, để phát triển các hệ thống nông nghiệp năng suất cao, bền vững, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đảm bảo sinh kế bền vững của người dân, nhất là những nông hộ nhỏ và nhóm dễ bị tổn thương.
ACIAR đã hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 với 261 dự án đã hoàn thành hoặc đang triển khai với tổng kinh phí hỗ trợ là 184 triệu AUD.
Phó Tổng Lãnh sự Úc tại TP.HCM Brent Stewart (phải) trò chuyện với nông dân Đỗ Văn Ánh. Ảnh: ĐỨC HIỀN
Theo ông Stewart, nông dân Việt Nam đã áp dụng hiệu quả và phát triển các mô hình nông nghiệp hiện đại do ACIAR hỗ trợ, minh chứng trong thí nghiệm đo lường lượng nước nói trên.
“Chúng ta đã thấy cách ACIAR và các đối tác địa phương đang làm việc với nông dân cà phê để cải thiện năng suất và giảm lượng nước cũng như các đầu vào khác. ACIAR đã chỉ ra rằng khi thấy các mô hình đang hoạt động hiệu quả, những hộ sản xuất nhỏ sẽ nhanh chóng áp dụng các mô hình mới này. Đó cũng là một trong những mục tiêu ACIAR rằng các giải pháp này lan tỏa đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương mà họ hướng đến” - Phó Tổng Lãnh sự Úc chia sẻ.
ĐỨC HIỀN