Kỳ vọng những thỏa thuận hợp tác với Mỹ
Theo hãng tin Reuters, sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, Kiev và Washington đã ký kết thỏa thuận khoáng sản vào tháng 4.
Theo đó, một quỹ đầu tư được thành lập và chính thức hoạt động từ ngày 23/5. Quỹ đầu tư nói trên nhận nguồn vốn từ việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản mới tại Ukraine.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent và Phó Thủ tướng thứ nhất Ukraine Yulia Svyrydenko ký thỏa thuận khai thác khoáng sản (Ảnh: Reuters).
Tài liệu pháp lý để kích hoạt quỹ đầu tư chung đã được hai bên trao đổi vào tuần trước nhưng các dự án thực tế cần thời gian để triển khai.
Bộ trưởng Môi trường Svitlana Hrynchuk nhận định thỏa thuận sẽ giúp tăng đáng kể tiềm năng của ngành khoáng sản, một lĩnh vực đòi hỏi vốn đầu tư lớn và có chu kỳ vận hành dài.
"Hiện tại, ngành tài nguyên thiên nhiên chỉ đóng góp 4% vào GDP, nhưng tiềm năng còn lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi rất kỳ vọng thỏa thuận sẽ thu hút thêm sự quan tâm tới lĩnh vực khoáng sản, đồng thời khiến đầu tư nước ngoài trở nên dễ tiếp cận và hấp dẫn hơn", bà Hrynchuk nói trong cuộc phỏng vấn với Reuters đêm 26/5.
Hé lộ nội dung thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine vừa ký kếtĐỌC NGAY
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent gọi đây là một quan hệ đối tác kinh tế toàn diện giúp Mỹ có quyền tiếp cận ưu tiên các hợp đồng khoáng sản mới tại Ukraine, đồng thời đóng vai trò hỗ trợ tái thiết đất nước hậu chiến.
Được biết, quốc gia Đông Âu này sở hữu trữ lượng của 22 trong tổng số 34 loại khoáng sản được Liên minh châu Âu xếp vào nhóm thiết yếu đối với các ngành công nghiệp quốc phòng, thiết bị công nghệ cao và năng lượng xanh.
Ngoài ra, Ukraine còn có nhiều loại kim loại quý, kim loại màu và hợp kim sắt được sử dụng trong xây dựng cùng một số nguyên tố đất hiếm.
Dù vậy, với việc chiến sự Nga – Ukraine vẫn đang diễn ra, khoảng 50% trữ lượng khoáng sản và 20% lãnh thổ của Ukraine hiện nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ukraine đã mất phần lớn trữ lượng than, cũng như một số mỏ lithium, mangan và khoáng sản khác.
Bộ trưởng Hrynchuk ước tính tổng thiệt hại của ngành lên đến 70.000 tỷ hryvnia (tương đương khoảng 1,7 nghìn tỷ USD) xuất phát từ sự kiểm soát lãnh thổ của Nga cùng các hoạt động giao tranh trên chiến tuyến dài hơn 1.000km giữa 2 bên.
Mở đường giúp Ukraine hướng tới mục tiêu gia nhập EU
Trước đó, hồi cuối năm 2024, Ukraine đã cập nhật chiến lược khai thác tài nguyên, hiện tập trung vào việc cải thiện khả năng tiếp cận dữ liệu thăm dò địa chất, cắt giảm thủ tục hành chính và hoàn thiện danh sách khoáng sản thiết yếu và chiến lược đối với nền kinh tế.
Ukraine sở hữu nhiều loại khoáng sản quý, hiếm có giá trị và tiềm năng khai thác cao (Đồ họa: Reuters).
Đây cũng là một phần trong lộ trình của Ukraine nhằm tiến gần hơn tới Liên minh châu Âu.
Bà Hrynchuk cho biết Chính phủ Ukraine đang phối hợp với Ủy ban châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) trong nhiều năm nay để số hóa tới 80% dữ liệu địa chất từ thời Liên Xô cũ. Hiện nay, khoảng 40% khối lượng công việc đã hoàn tất.
Ngoài ra, Ukraine cũng rà soát 3.000 giấy phép khai khoáng hiện hành, trong đó ước tính khoảng 10% giấy phép có thể đang không được sử dụng.
"Chúng tôi không có ý định tịch thu tài sản nếu vẫn còn tiềm năng khai thác. Tuy nhiên, với những tài sản quan trọng quốc gia nhưng đã không hoạt động suốt hơn 10 năm, chúng tôi sẽ đưa ra các quyết định quản lý phù hợp", bà Hrynchuk nói đồng thời cho biết sẽ rà soát trong năm nay và năm tới.
Dù đang có chiến tranh, Chính phủ Ukraine vẫn tổ chức đấu giá giấy phép khai khoáng. Năm ngoái, nước này thu về 2,4 tỷ hryvnia (tương đương 61 triệu USD) từ việc đấu giá 120 giấy phép. Chính phủ đặt mục tiêu đạt mức tương tự trong năm nay và hiện đã cấp 32 giấy phép, chủ yếu cho khai thác vật liệu xây dựng như đất sét, cát, đá hoa, đá granit và hổ phách.
Theo bà Hrynchuk các nhà đầu tư, chủ yếu vẫn đến từ trong nước, quan tâm nhiều nhất đến giấy phép thăm dò dầu khí, cũng như các khoáng sản như titan, graphite và mangan.
Khánh An