Ukraine cắt hợp đồng khí đốt với Nga - 'cơn đau đầu' mới của châu Âu, Kiev có thật sự muốn điều này?

Ukraine cắt hợp đồng khí đốt với Nga - 'cơn đau đầu' mới của châu Âu, Kiev có thật sự muốn điều này?
3 giờ trướcBài gốc
Ukraine tuyên bố không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm 2024. (Nguồn: Reuters)
Trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Slovakia Robert Fico hôm 7/10 tại Kiev, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tuyên bố, nước này sẽ không gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt Nga khi hợp đồng hết hạn vào cuối năm 2024.
Theo Thủ tướng Shmyhal, mục tiêu chiến lược của đất nước là áp đặt lệnh trừng phạt đối với khí đốt Nga, tước đi lợi nhuận của Điện Kremlin từ việc bán mặt hàng này.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các nước châu Âu từ bỏ hoàn toàn dầu khí của Nga. Chúng tôi hiểu sự phụ thuộc của một số quốc gia vào các nguồn tài nguyên như vậy. Nhưng chúng tôi tin tưởng vào sự đa dạng hóa các nguồn cung”, ông Shmyhal nhấn mạnh.
Hồi tháng 12/2019, công ty năng lượng nhà nước Naftogaz của Ukraine và tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga đã ký thỏa thuận vận chuyển khí đốt. Theo hợp đồng này, Ukraine sẽ vận chuyển 40 tỷ m3 khí đốt của Nga mỗi năm trong giai đoạn 2021-2024. Đây là hợp đồng thương mại duy nhất còn sót lại giữa hai nước và sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
"Cơn đau đầu" của EU
Nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới châu Âu qua Ukraine tương đối nhỏ. Nga đã vận chuyển khoảng 15 tỷ m3 (bcm) khí đốt qua Ukraine vào năm 2023 - chỉ bằng 8% lượng khí đốt cao điểm của Điện Kremlin tới châu lục qua các tuyến đường khác nhau trong năm 2018-2019.
Moscow đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần khí đốt ở châu Âu. Tuy nhiên, đất nước đã mất thị phần vào tay các đối thủ như Na Uy, Mỹ và Qatar kể từ khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine năm 2022. Kể từ thời điểm đó đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã mạnh tay cắt giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod. Khí đốt sẽ được vận chuyển từ Siberia qua thị trấn Sudzha - hiện nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng quân sự Ukraine - ở vùng Kursk của Nga. Sau đó, khí đốt tiếp tục chảy qua Ukraine đến Slovakia.
Tại Slovakia, đường ống dẫn khí đốt chia thành các nhánh đi đến Czech và Áo.
Tính đến thời điểm hiện tại, Áo vẫn nhận phần lớn khí đốt qua Ukraine, trong khi Nga chiếm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Hungary.
Trong khi đó, Slovakia mua khoảng 3 bcm từ gã khổng lồ năng lượng Gazprom của Nga mỗi năm, cũng chiếm khoảng 2/3 nhu cầu của nước này. Còn Czech gần như đã cắt giảm hoàn toàn việc nhập khẩu khí đốt từ Moscow vào năm ngoái.
Giá khí đốt của khối 27 thành viên đã tăng mạnh vào năm 2022, lên mức cao kỷ lục, khi Moscow cắt giảm nguồn cung tới châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan chiến dịch quân sự đặc biệt. Theo các quan chức và thương nhân tại EU, đợt tăng giá này sẽ không lặp lại nếu hợp đồng quá cảnh Nga-Ukraine hết hạn bởi khối lượng khí đốt chảy qua châu Âu khá khiêm tốn và khu vực cũng đã có sự chuẩn bị.
Dù vậy, một số nhà quan sát nhận thấy, dù khối lượng vận chuyển khí đốt Nga tới châu Âu qua Ukraine không lớn nhưng vẫn là một "cơn đau đầu" đối với khu vực. Nhiều thành viên như Pháp, Đức tuyên bố sẽ không mua khí đốt của Nga nữa nhưng với Slovakia, Hungary và Áo - những nước có quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow - vấn đề không đơn giản như vậy.
Các quốc gia vẫn nhận khí đốt của Nga cho rằng, đây là loại nhiên liệu phù hợp "túi tiền" nhất.
James Hill, giám đốc điều hành của MCF Energy (Canada) khẳng định, đây là động thái táo bạo của Ukraine nhưng nó cũng đặt ra thách thức đáng kể với châu Âu. Nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu "có thể gặp rủi ro".
Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cũng nhận thấy, việc Ukraine chấm dứt quá cảnh sẽ buộc châu Âu phải phụ thuộc nhiều hơn vào các kho dự trữ và các nguồn cung thay thế, chủ yếu là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), làm tăng nhu cầu bổ sung dự trữ.
Giá khí đốt của EU đã tăng mạnh vào năm 2022, lên mức cao kỷ lục, khi Nga cắt giảm nguồn cung tới châu Âu để đáp trả các lệnh trừng phạt liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt. (Nguồn: Reuters)
Đòn giáng mạnh với Nga?
Theo tính toán của Reuters, Nga kiếm được hơn 3 tỷ USD từ việc bán khí đốt qua Ukraine dựa trên giá khí đốt trung bình là 200 USD/1.000 m3.
Ông James Hil cũng cho hay, nếu Kiev quyết định cắt đứt hợp đồng thương mại cuối cùng với Moscow, Gazprom sẽ mất gần 7 tỷ USD doanh thu từ hợp đồng này. Đây là một đòn giáng mạnh đối với đất nước.
Trong khi đó, hồi tháng 8/2024, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tiết lộ, đất nước đã có những kế hoạch để đối phó với việc dòng chảy khí đốt bị ngừng khi hợp đồng không được gia hạn.
"Nếu Ukraine quyết định không gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt, điều này sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của người tiêu dùng châu Âu, những người vẫn sẵn sàng mua nhiều khí đốt Nga với cả phải chăng, rẻ hơn khí đốt từ các nguồn khác, đặc biệt từ Mỹ", ông Dmitry Peskov khẳng định.
Phía Moscow cũng tuyên bố sẵn sàng gia hạn thỏa thuận quá cảnh nhưng Kiev nhiều lần khẳng định sẽ không làm điều đó.
Ukraine vững "lằn ranh đỏ"
Với Ukraine, hãng tin Bloomberg cho rằng, một thực tế cay đắng đối với Kiev là không ai cần gia hạn hợp đồng quá cảnh khí đốt nhiều như chính họ.
Về mặt tài chính, theo ước tính của Mykhailo Svyshcho, một nhà phân tích của ExPro Consulting có trụ sở tại Kiev, Ukraine có nguy cơ mất tới 800 triệu USD mỗi năm từ phí vận chuyển.
Hãng tin AFP thì cho biết, mặc dù rất muốn duy trì mạng lưới này, nhưng Ukraine cũng đang kiên trì giữ vững “lằn ranh đỏ” với Nga.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nhiều lần tuyên bố sẽ loại trừ Nga khỏi mạng lưới vận chuyển của đất nước để cắt đứt dòng tiền chảy vào Điện Kremlin. Thay vào đó, Kiev đang tìm kiếm các nhà cung cấp khác.
Đất nước đã tổ chức các cuộc đàm phán vận chuyển với Azerbaijan - quốc gia hiện đang cung cấp khí đốt cho 8 nước ở châu Âu. Nhưng đến hiện tại, chưa có đề xuất cụ thể nào từ các nhà giao dịch để thảo luận”.
Trên thực tế, cho dù có một hợp đồng mới thì sản lượng khí đốt của Azerbaijan cũng không đủ để thay thế hoàn toàn khí đốt Nga trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh nguồn cung và cầu năng lượng thế giới vẫn cân bằng chặt chẽ, việc mất tuyến đường qua Ukraine gần như chắc chắn có nguy cơ gây ra sự biến động trên thị trường châu Âu. Liệu trong những tháng còn lại của năm, Ukraine có "quay xe" để tránh những khó khăn cho chính đất nước này, châu Âu và cả Nga?
(theo Reuters, AFP)
Linh Chi
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/ukraine-cat-hop-dong-khi-dot-voi-nga-con-dau-dau-moi-cua-chau-au-kiev-co-that-su-muon-dieu-nay-289389.html