Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa), Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự Hội nghị thượng đỉnh châu Âu về vấn đề Ukraine, ở London (Anh), ngày 2/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Dẫn một bài đăng trên tài khoản Facebook ngày 22/5, kênh truyền hình RT đưa tin Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergey Marchenko đã phác thảo đề xuất trên trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính G7 diễn ra trong tuần này tại Canada.
"Những gì chúng tôi đề xuất là các đối tác tham gia tài trợ cho Lực lượng vũ trang Ukraine. Điều này sẽ thực sự đưa Ukraine vào cơ cấu quốc phòng của châu Âu", Bộ trưởng Marchenko viết.
Theo ông Marchenko, khoản viện trợ này sẽ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong GDP của EU và có thể được trích ra từ các quốc gia sẵn sàng tham gia sáng kiến. Kiev muốn triển khai chương trình mới vào năm 2026, với các khoản đóng góp được tính vào mục tiêu chi tiêu quốc phòng của NATO.
Lời kêu gọi của Bộ trưởng Marchenko được đưa ra trong bối cảnh Ukraine đang phải vật lộn với sức ép tài chính gia tăng và triển vọng viện trợ nước ngoài không chắc chắn. Ngày 20/5, đại biểu quốc hội Ukraine Yaroslav Zheleznyak cho biết ngân sách năm 2025 của nước này có khoản thâm hụt tương đương 9,6–12 tỷ USD để tài trợ cho lực lượng vũ trang.
Một đại biểu khác là Nina Yuzhanina cảnh báo mức hỗ trợ quân sự hiện đáng báo động và bà kêu gọi cắt giảm ngân sách trong nước nhằm chuyển hướng nguồn lực.
Nợ công ngày càng tăng của Ukraine cũng là một chỉ số báo động. Tổng nợ công của Ukraine đang tiến tới con số 171 tỷ USD, gần bằng 100% GDP. Đầu tháng này, Bộ trưởng Marchenko cho biết Ukraine sẽ không thể trả nợ cho các chủ nợ nước ngoài trong 30 năm tới.
Kể từ khi xung đột với Nga leo thang vào năm 2022, Ukraine đã nhận được hàng tỷ USD viện trợ quân sự, tài chính và nhân đạo cũng như các khoản vay từ Mỹ, EU và các nhà tài trợ khác.
Mỹ, nhà tài trợ lớn nhất của Ukraine, đã có động thái bù đắp các khoản viện trợ tài chính cho Ukraine bằng một thỏa thuận về tài nguyên thiên nhiên với Kiev. Thỏa thuận do Tổng thống Donald Trump thúc đẩy trao cho Mỹ quyền tiếp cận ưu đãi đối với các nguồn tài nguyên khoáng sản của Ukraine mà không cung cấp bảo đảm an ninh.
Tổng thống Trump nhiều lần kêu gọi giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột Nga - Ukraine và cam kết làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn thay vì mở rộng hỗ trợ quân sự.
Vào mùa hè này, gói viện trợ quân sự cho Ukraine do cựu Tổng thống Joe Biden phê duyệt trước đó sẽ hết hạn. Tuy nhiên, cho tới giờ, vẫn chưa có cuộc đàm phán gia hạn nào diễn ra.
Về phần mình, Nga liên tục lên án các lô hàng vũ khí của phương Tây tới Ukraine, tuyên bố rằng các lô hàng này sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không thay đổi kết quả của cuộc chiến.
Bảo Hà/Báo Tin tức và Dân tộc