Sức ép từ Mỹ
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Kyiv Independent ngày 23/4, lằn ranh đỏ đối với Ukraine có thể là một đề xuất của Nhà Trắng, theo đó sẽ công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga về mặt pháp lý. Đây là một động thái sẽ chấm dứt hơn một thập kỷ đồng thuận lưỡng đảng tại Mỹ về việc bác bỏ vụ sáp nhập này.
Ông Volodymyr Ariev, nghị sĩ thuộc đảng Đoàn kết châu Âu, nói với Kyiv Independent: “Dưới thời ông Trump, Bản Tuyên bố về Crimea đã được ký trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông vào năm 2018, theo đó Mỹ không công nhận Crimea là một phần của Nga”. Ông Ariev chỉ ra những tác động tiêu cực với Mỹ nếu Mỹ vi phạm chính tuyên bố do họ đưa ra.
Hiện nay, Ukraine đang rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan: đã thực hiện mọi yêu cầu của Mỹ kể từ khi tiến trình hòa bình chính thức khởi động, nhưng giờ đây lại đối mặt với những đòi hỏi gần như bất khả thi.
Ngày 11/3, Ukriane đã đồng ý với một đề xuất ngừng bắn toàn diện trong 30 ngày do Mỹ đưa ra và đã có bước đi hướng tới ký một thỏa thuận khai thác khoáng sản với Mỹ.
Tuy nhiên, Mỹ lại đang thúc đẩy một thỏa thuận hòa bình có các điều kiện có lợi cho Nga.
Trong bối cảnh đó, ngày 23/4, Tổng thống Zelensky tuyên bố Ukraine kiên quyết yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, toàn diện và vô điều kiện. Ông Zelensky nói: “Đó chính là đề xuất mà Mỹ đã đưa ra vào ngày 11/3 năm nay và đó là một đề xuất hoàn toàn hợp lý”.
Về phần mình, các quan chức Nga nhiều lần khẳng định Nga chỉ chấp nhận ngừng bắn nếu nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột hiện nay được giải quyết.
Khi không có dấu hiệu cho thấy Nga sẽ ký vào một lệnh ngừng bắn toàn diện, đề xuất của Mỹ hiện là lựa chọn duy nhất dù ngay từ đầu đã gây bất lợi cho Ukraine.
Ngày 23/4, viết trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Trump tiếp tục gây sức ép, cho rằng việc Tổng thống Zelensky từ chối công nhận Crimea là của Nga là một phát biểu gây tổn hại nghiêm trọng đến các cuộc đàm phán hòa bình với Nga. Theo ông Trump, nguyên nhân là do Crimea đã bị mất từ nhiều năm trước, dưới thời Tổng thống Barack Obama, và hiện không còn là một chủ đề để thảo luận nữa. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Không ai yêu cầu ông Zelensky phải công nhận Crimea là lãnh thổ của Liên bang Nga, nhưng nếu ông ấy thực sự muốn giành lại Crimea, vậy thì tại sao Ukraine không chiến đấu để giữ nó từ mười một năm trước, khi bán đảo này bị trao cho Nga mà không có một phát súng nào bắn ra?”.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ nói: “Tình hình của Ukraine hiện nay là vô cùng nguy cấp. Họ có thể chọn hòa bình, hoặc tiếp tục chiến đấu thêm ba năm nữa để rồi mất toàn bộ đất nước”.
Trở ngại pháp lý
Eo biển Kerch ở Crimea. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Một trong những vấn đề cấp bách nhất nếu Mỹ công nhận Crimea là của Nga về mặt pháp lý là: luật pháp Ukraine không cho phép nước này đồng ý hoặc bỏ qua điều đó.
Theo Hiến pháp Ukraine, Crimea là một phần không thể tách rời và được công nhận hợp pháp của Ukraine.
Chính phủ Ukraine không thể ban hành đạo luật nào đi ngược lại Hiến pháp mà vốn không thể sửa đổi trong thời gian thiết quân luật.
Cách duy nhất để Ukraine công nhận hợp pháp Crimea là của Nga là tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này và đưa ra quyết định cho người dân. Mặc dù các cuộc thăm dò gần đây cho thấy số người Ukraine sẵn sàng nhượng bộ lãnh thổ để kết thúc chiến tranh đã tăng lên, nhưng đa số vẫn phản đối ý tưởng đó.
Hơn nữa, các cuộc khảo sát không phân biệt giữa công nhận trên thực tế và về mặt pháp lý, trong đó việc công nhận pháp lý chắc chắn sẽ bị phản đối mạnh hơn so với công nhận thực tế.
Bà Halyna Yanchenko, nghị sĩ thuộc đảng Đầy tớ của nhân dân, nói với Kyiv Independent: “Không có chính phủ Ukraine nào được trao quyền để công nhận Crimea là của Nga. Thỏa thuận hòa bình nào bao gồm điều khoản như vậy sẽ có nguy cơ châm ngòi cho bất ổn trong nước. Đó là lý do không có lãnh đạo Ukraine nào từng đồng ý với điều đó. Đơn giản là không có khả năng một thỏa thuận như vậy được Quốc hội Ukraine thông qua”.
Bước đi cấp thiết cho Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: PAP/TTXVN
Ông Yevhen Magda, nhà phân tích chính trị Ukraine, nói với Kyiv Independent rằng nếu Mỹ đang đề xuất công nhận Crimea là của Nga về mặt pháp lý, ưu tiên trước mắt của Ukraine là phải vận động phản đối.
Ông nói: “Ukraine phải thuyết phục Mỹ một cách kín đáo về tính không thỏa đáng của động thái này”.
Tuy nhiên, quan điểm từ Nhà Trắng cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẽ không kiên nhẫn với điều gì đi lệch khỏi kế hoạch đã được hoạch định, kể cả các đề xuất chi tiết bên trong.
Ngày 23/4, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance tuyên bố Mỹ đã đưa ra một đề xuất rất rõ ràng với Nga và Ukraine về một thỏa thuận hòa bình, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể rút khỏi nỗ lực hòa bình nếu các bên không đồng ý.
Phát biểu trước báo giới trong chuyến thăm Ấn Độ, ông Vance nói rằng đã đến lúc Kiev và Moskva hoặc là đồng ý, hoặc là để Mỹ rút khỏi tiến trình này.
Ông Trump thậm chí còn nói thẳng hơn hồi tuần trước: “Nếu vì lý do nào đó mà một trong hai bên gây khó dễ… chúng tôi sẽ bỏ qua luôn”.
Khả năng Mỹ rút lui
Trong trường hợp Mỹ rút khỏi vai trò trung gian cho Nga và Ukraine, cuộc xung đột sẽ tiếp diễn.
Khi nguồn viện trợ quân sự chính không còn, khả năng Ukraine chống lại chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ phụ thuộc phần lớn vào châu Âu. Đây là một khả năng thực tế hơn so với vài tháng trước, nhưng vẫn khó có thể bù đắp vai trò của Mỹ trong ngắn hạn.
Châu Âu hiện mới chỉ thảo luận về điều quân tới Ukraine dưới dạng lực lượng gìn giữ hòa bình để hỗ trợ một thỏa thuận hòa bình. Dù đang tăng cường chi tiêu quốc phòng và sản xuất vũ khí, nhưng châu Âu sẽ phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm để có thể cung cấp đủ khí tài cho Ukraine.
Do đó, các nghị sĩ Ukraine cho rằng nước này phải tự dựa vào chính mình và sự linh hoạt của chính họ.
Trước đó, ông Zelensky cho biết Ukraine hiện tự sản xuất được 30% số lượng vũ khí cần thiết và đã cố gắng ổn định mặt trận phía Đông.
Ông Ian Garner, Phó giáo sư tại Viện Pilecki của Ba Lan, cho rằng việc Ukraine giữ vững phòng tuyến là hoàn toàn khả thi và có cơ sở, nhưng điều đó sẽ không dễ dàng, đòi hỏi hy sinh to lớn về sinh mạng và tài chính.
Thùy Dương/Báo Tin tức và Dân tộc