Thủ tướng Đức Olaf Scholz (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại Hội nghị phục hồi Ukraine ở Berlin, Đức. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine
Theo tuyên bố của Steffen Hebestreit, người phát ngôn của Chính phủ Liên bang Đức, Thủ tướng Scholz "tái khẳng định sự đoàn kết liên tục và không lay chuyển của mình với Ukraine" và đảm bảo rằng Berlin sẽ tiếp tục hỗ trợ Kiev thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác châu Âu và quốc tế cho đến khi đạt được "nền hòa bình công bằng, toàn diện và lâu dài".
Hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng, Kiev phải "có mặt tại bàn đàm phán hòa bình trong tương lai" và "các vấn đề về an ninh châu Âu phải được thảo luận cùng với người châu Âu" cũng như "cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ukraine và các đối tác thân cận nhất".
Sau cuộc điện đàm, Tổng thống Ukraine tuyên bố, cuộc thảo luận với Thủ tướng Đức "có ý nghĩa thực chất".
"Chúng tôi đã thảo luận chi tiết về các bước cần thiết để đạt được nền hòa bình công bằng, cũng như vai trò của châu Âu tại bàn đàm phán", ông Zelensky nói trong bài đăng trên mạng xã hội Telegram. Tổng thống Ukraine nói thêm rằng kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Đức đã cung cấp cho Kiev 43,6 tỷ euro viện trợ. Và, "tôi cảm ơn ông ấy (Scholz) vì những đóng góp của Đức trong việc bảo vệ hàng nghìn sinh mạng, cũng như vai trò lãnh đạo trong việc tăng cường phòng không của Ukraine. Người dân Ukraine sẽ luôn nhớ đến sự ủng hộ mạnh mẽ như vậy”.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh Kiev và các đồng minh châu Âu ngày càng lo ngại về sự thay đổi lập trường của Washington đối với cuộc chiến, đặc biệt là sau khi Mỹ đàm phán trực tiếp với Nga tại Saudi Arabia ngày 18-2.
Ngày 21-2, Tổng thống Mỹ tuyên bố ông Zelensky không phải là yếu tố cần thiết cho các cuộc đàm phán chấm dứt xung đột Nga - Ukraine. Những tuyên bố gần đây của ông Trump đã thúc đẩy các nhà lãnh đạo châu Âu tìm kiếm một chiến lược thống nhất để đảm bảo Ukraine tiếp tục được bảo vệ.
Theo một cuộc thăm dò gần đây do công ty thăm dò ý kiến Rating của Ukraine công bố ngày 21-2, 91% người Ukraine được khảo sát phản đối các cuộc đàm phán hòa bình Mỹ - Nga mà không có sự tham gia của Kiev.
Kim Phượng