Ukraine được lợi như thế nào trong thỏa thuận khoáng sản vừa ký với Mỹ?

Ukraine được lợi như thế nào trong thỏa thuận khoáng sản vừa ký với Mỹ?
12 giờ trướcBài gốc
Cuối cùng thì thỏa thuận khoáng sản Mỹ - Ukraine đã được ký vào cuối ngày 30/4/2025 sau nhiều tuần mặc cả kịch liệt giữa đôi bên trong bối cảnh Mỹ giảm mạnh viện trợ cho Ukraine trong xung đột với Nga.
Theo thỏa thuận mới được ký mà CNN đã được xem, Ukraine có vẻ ở vào thế thuận lợi hơn so với các phiên bản thỏa thuận trước đây.
Xe tải rời khỏi một mỏ urani của Ukraine. Ảnh: Nytimes.
Những đảm bảo cho Ukraine
Thỏa thuận vừa ký không kêu gọi Ukraine phải thanh toán lại cho Mỹ về khoản viện trợ mà Kiev đã nhận từ Washington trong quá trình xung đột vũ trang với Nga. Đây là một nhượng bộ lớn từ phía chính quyền Tổng thống Mỹ Trump.
Washington ban đầu yêu cầu Kiev phải chia sẻ đất hiếm và những khoáng sản khác trị giá 500 tỷ USD để đổi lại khoản viện trợ mà Washington đã trao trước đó cho Kiev.
Bản thỏa thuận ký ngày 30/4 vừa qua quy định rằng viện trợ quân sự tương lai của Mỹ sẽ được tính là một phần trong đầu tư của Mỹ vào quỹ đầu tư tái thiết chung được dùng để đầu tư vào tài nguyên thiên nhiên Ukraine.
Thỏa thuận cho Mỹ quyền ưu đãi trong khai khoáng ở Ukraine. Tuy nhiên, Kiev có quyền quyết định cuối cùng về nội dung và địa điểm khai thác. Ukraine cũng nắm quyền sở hữu các lớp đất phía dưới.
Thỏa thuận bao gồm không chỉ đất hiếm mà còn các tài nguyên thiên nhiên khác như dầu mỏ, khí đốt, vàng và đồng.
Thỏa thuận mở cửa cho tiềm năng Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai. Văn bản nêu rằng việc đầu tư cần được thực hiện theo nghĩa vụ của Ukraine với tư cách là ứng cử viên thành viên của EU.
Tuy nhiên, Mỹ cũng giành được một loạt lợi thế cho mình. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent coi thỏa thuận này là mối quan hệ “đối tác kinh tế lịch sử”, thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Trump đối với tiến trình hòa bình tập trung vào một quốc gia Ukraine tự do, có chủ quyền và thịnh vượng về dài hạn.
Những điều còn thiếu đối với Ukraine và Mỹ
Kiev đã bỏ yêu sách chính là Mỹ phải cung cấp bảo đảm an ninh như một phần của thỏa thuận. Chính yêu sách này đã tạo ra màn tranh cãi nảy lửa giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng vào tháng 2/2025.
Thỏa thuận bảo đảm Mỹ nhận được quyền tiếp cận ưu đãi đối với nguồn khoáng sản giàu có của Ukraine nhưng lại không bảo đảm quyền độc quyền cho Mỹ.
Thỏa thuận bị giới hạn vào các dự án mới, nghĩa là Mỹ và Ukraine sẽ phải đầu tư nhằm sinh lợi. Các hoạt động khai thác mỏ hiện nay (tạo nguồn thu cho chính phủ Ukraine) bị loại khỏi thỏa thuận.
Ukraine có lượng dự trữ lớn các khoáng sản có giá trị nhưng quá trình khai thác chúng thường là tốn kém và khó khăn về kỹ thuật. Ví dụ, đối với đất hiếm, sẽ cần nhiều năm để nâng cao năng lực, hoàn thành nghiên cứu đánh giá về cách khai thác hiệu quả đối với khoáng sản. Ngoài ra còn cần một nhà máy tinh luyện mới để bảo đảm kim loại và oxit có độ tinh luyện cao dùng cho vô số công nghệ.
Tác động đến tiến trình hòa bình
Các chuyên gia kinh tế Liam Peach và Hamad Hussain tại Capital Economics hôm 1/5 viết rằng thỏa thuận khoáng sản mới ký mang lại “một số bảo đảm là chính quyền Trump không có kế hoạch bỏ rơi Ukraine” bởi vì thỏa thuận này thiết lập lợi ích kinh tế của Mỹ tại Ukraine. Ông Trump vì vậy có thể tiếp tục theo đuổi nỗ lực trung gian hòa giải cho hòa bình Nga - Ukraine.
Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố vào hôm 1/5 rằng việc Mỹ và Ukraine ký thỏa thuận khoáng sản là “kết quả đầu tiên của cuộc gặp giữa ông và Tổng thống Trump” tại Vatican khi hai ông dự lễ tang Giáo hoàng Francis.
Khoáng sản này quan trọng với Mỹ như thế nào?
Những vật liệu như graphite, lithium, urani và 17 nguyên tố hóa học khác được gọi là đất hiếm có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh quốc gia. Chúng rất thiết yếu đối với sản xuất hàng điện tử, công nghệ năng lượng sạch, bao gồm turbine gió, xe điện và mạng lưới năng lượng, cũng như một số hệ thống vũ khí.
Trung Quốc đã từ lâu thống trị hoạt động sản xuất đất hiếm và những vật liệu quan trọng chiến lược khác trên thế giới, khiến các nước phương Tây phải nỗ lực tìm các nguồn thay thế, bao gồm Ukraine.
Mỹ phụ thuộc lớn vào nhập khoáng sản họ cần. Trong 50 khoáng sản được xác định là trọng yếu, có 12 khoáng sản mà Mỹ phải nhập hoàn toàn, và 16 loại nữa mà Mỹ phải phụ thuộc trên 50%. Trong khi đó, theo chính phủ Ukraine, nước này sở hữu 22 trong số 50 vật liệu trọng yếu này.
Trung Hiếu/VOV.VN biên dịch Nguồn: CNN
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-duoc-loi-nhu-the-nao-trong-thoa-thuan-khoang-san-vua-ky-voi-my-post1196535.vov