Trong cuộc phỏng vấn với đài Radio NV, chuyên gia năng lượng Sergiy Makohon cho biết các lệnh trừng phạt gần đây đã nhắm vào khoảng 180 tàu của Nga, chiếm khoảng một phần ba tổng số tàu vận chuyển dầu của nước này.
Hình ảnh một chiếc tàu chở dầu. Ảnh: The New Voice of Ukraine
“Đây là một đòn giáng mạnh. Theo các nguồn tin công khai, nhiều cảng biển của Trung Quốc đã từ chối tiếp nhận những con tàu này. Điều này buộc Nga phải gánh thêm chi phí giao dịch - chuyển dầu ngoài khơi gần Malaysia sang các tàu 'sạch' trước khi vận chuyển đến Trung Quốc”, ông Makohon giải thích.
Ông cũng nhận định rằng các lệnh trừng phạt thứ cấp có thể tạo thêm áp lực, buộc Nga phải chấp nhận mức chiết khấu sâu hơn đối với dầu mỏ của mình, làm giảm đáng kể nguồn thu ngân sách.
“Đây là lợi thế cho chúng tôi”, Makohon nhấn mạnh. “Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không cắt giảm đáng kể lượng dầu nhập khẩu từ Nga, bởi nguồn năng lượng giá rẻ vẫn mang lại lợi ích lớn cho nền kinh tế nước này”.
Nga gặp khó trong việc mở rộng hệ thống vận chuyển dầu
Theo ông Makohon, dù Nga có một số đường ống dẫn dầu, bao gồm tuyến Đông Siberia – Thái Bình Dương (ESPO) và tuyến đi qua Kazakhstan, nhưng các đường ống này đã hoạt động hết công suất và không thể mở rộng do hạn chế về tài chính cũng như công nghệ.
“Khoảng 25% lượng dầu của Nga được vận chuyển qua đường ống, trong khi 75% còn lại được xuất khẩu bằng đường biển. Trong đó, 80% lượng dầu vận chuyển qua các cảng nằm dọc biển Baltic và Biển Đen”, ông Makohon cho biết.
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng Ukraine có thể tận dụng điểm yếu này để gây sức ép lên nguồn thu từ dầu mỏ của Nga.
Ông Makohon cho rằng Ukraine có thể giảm 20-30% xuất khẩu dầu của Nga bằng hai biện pháp chính:
Một là cấm vận chuyển dầu của Nga qua lãnh thổ Ukraine - “Chúng tôi hoàn toàn có quyền làm điều này”, ông khẳng định. Hai là tấn công vào các đường ống dẫn dầu dẫn đến các cảng của Nga - “Chúng tôi cần chủ động phá vỡ các tuyến đường này”, ông Makohon nhấn mạnh.
Mỹ và Anh đồng loạt áp đặt lệnh trừng phạt mới
Ngày 10/1/2025, Mỹ đã công bố các lệnh trừng phạt mới đối với các công ty dầu mỏ lớn nhất của Nga, cấm các doanh nghiệp Mỹ cung cấp dịch vụ khai thác dầu tại Nga. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực từ ngày 27/2.
Ngoài ra, Mỹ cũng đưa ban lãnh đạo của tập đoàn hạt nhân Rosatom của Nga vào danh sách trừng phạt. Theo hãng tin Reuters, các biện pháp này có thể gây ra gián đoạn nghiêm trọng đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ và Trung Quốc.
Đáng chú ý, thời điểm công bố lệnh trừng phạt diễn ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump, làm dấy lên đồn đoán rằng chính quyền mới có thể sử dụng các biện pháp này như một công cụ đàm phán trong quá trình tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột tại Ukraine.
Tuy nhiên, chính quyền của ông Joe Biden bác bỏ điều này, khẳng định rằng hiện tại chưa có bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa Ukraine và Nga.
Ngay sau động thái từ Washington, chính phủ Anh cũng tuyên bố áp đặt các lệnh trừng phạt bổ sung đối với ngành dầu mỏ Nga, gia tăng áp lực lên nguồn thu từ năng lượng của Moscow
Dũng Phan (Theo The New Voice of Ukraine)