RiaNovosti hôm nay (14/11) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định nước này tuân thủ Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân mà Kiev đã tham gia từ cuối năm 1994 và cam kết loại trừ việc sử dụng nguyên liệu hạt nhân cho bất cứ mục đích quân sự nào.
Các binh sĩ chuẩn bị tháo dỡ một tên lửa đạn đạo SS-19 trong căn cứ tên lửa lớn nhất của quân đội Liên Xô cũ ở Vakulenchuk, Ukraine vào khoảng năm 1994. Ảnh: GettyImages
"Chúng tôi không sở hữu, không phát triển và không có ý định tạo ra vũ khí hạt nhân. Ukraine hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) và hoàn toàn minh bạch trước IAEA", Bộ Ngoại giao Ukraine khẳng định.
Tuyên bố của Ukraine được đưa ra sau khi tờ the Times của Anh mới đây đăng tải nội dung khẳng định, Ukraine có thể cân nhắc phát triển vũ khí hạt nhân trong vòng vài tháng nếu Mỹ cắt giảm viện trợ quân sự sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào đầu năm sau.
Vào thời điểm Liên Xô tan rã cách đây hơn 3 thập kỉ, Ukraine là quốc gia được thừa hưởng số vũ khí lớn thứ hai, sau Nga, trong đó có nhiều khí tài hiện đại và cả vũ khí hạt nhân. Ukraine từng được đánh giá là nước có kho vũ khí hạt nhân lớn thứ 3 toàn cầu.
Năm 1994, trước áp lực của cộng đồng quốc tế cũng như trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn kinh phí bảo dưỡng vũ khí hạn hẹp, Ukrainekí Bản ghi nhớ Budapest với nội dung Kiev từ bỏ kho vũ khí hạt nhân để đổi lại các đảm bảo an ninh từ Mỹ, Anh và Nga.
Sau khi chiến sự Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng phàn nàn Bản ghi nhớ Budapest vừa khiến Ukraine không còn vũ khí hạt nhân để răn đe đối thủ, vừa mất an ninh. Tuy nhiên, ông Zelensky cũng cam kết Ukraine không có kế hoạch tự chế tạo vũ khí hạt nhân.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Moscow coi khả năng Ukraine sở hữu vũ khí hạt nhân là một mối đe dọa nghiêm trọng dẫn đến "phản ứng thích hợp từ Nga" và Moscow sẽ "không cho phép điều đó xảy ra trong bất cứ trường hợp nào".
"Việc tạo ra vũ khí hạt nhân trong thế giới hiện đại không khó. Tôi không biết liệu Ukraine hiện nay có đủ khả năng làm điều này hay không, nhưng nhìn chung thì không có khó khăn nào quá lớn (với Ukraine để chế tạo vũ khí hạt nhân)", ông Putin nêu quan điểm.
Thái An