Ukraine liên tiếp tấn công tầm xa vào Nga, chuyên gia cảnh báo 'chớ đùa với lửa'

Ukraine liên tiếp tấn công tầm xa vào Nga, chuyên gia cảnh báo 'chớ đùa với lửa'
18 phút trướcBài gốc
Yếu tố thay đổi cuộc chơi
Trước đây, những cuộc tấn công như vậy thường rất hiếm xảy ra, nhưng hiện nay chúng ngày càng trở nên phổ biến hơn. Các quan chức Ukraine và một số nước ủng hộ phương Tây coi sự thiệt hại mà các cuộc tấn công tầm xa gây ra cho Nga là một yếu tố thay đổi cuộc chơi, có thể buộc Tổng thống Vladimir Putin phải ngồi vào bàn đàm phán hòa bình.
Binh sỹ Ukraine khai hỏa vào vị trí Nga. Ảnh: RBC-Ukraine
“Khả năng đưa xung đột trở về nơi khởi nguồn, về Nga, là điều làm thay đổi tình hình một cách cơ bản", Tổng thống Ukraine Zelensky phát biểu sau một cuộc tấn công bằng UAV của nước này vào lãnh thổ Nga hồi tháng 9/2024. Theo các nhà phân tích tình báo nguồn mở, cuộc tấn công đã phá hủy khoảng 58 nhà kho và một nhà ga đường sắt tại khu vực lưu trữ pháo binh và tên lửa ở phía tây bắc Moscow.
Sau cuộc gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tuần này, Tổng thống Zelensky cho biết Washington đang chuẩn bị một gói hỗ trợ trị giá 800 triệu USD để tài trợ cho việc sản xuất máy bay không người lái của Ukraine.
Cho đến nay, các cuộc tấn công tầm xa của Ukraine nhằm vào Nga đều được thực hiện bằng các loại vũ khí do chính Kiev tự sản xuất. Những cuộc tấn công này đã vươn tới tận bờ biển Bắc Cực của Nga ở phía bắc và các khu vực giáp biên giới với Kazakhstan ở phía đông. Ngoài máy bay không người lái, Kiev cũng nhắm mục tiêu vào Nga bằng tên lửa hành trình Neptune nội địa, mặc dù với số lượng ít hơn nhiều. Ông Zelensky gần đây cho biết, Ukraine đã phát triển tên lửa đạn đạo, nhưng nhiều khả năng chưa sử dụng chúng.
Mặc dù Mỹ và các đồng minh đã cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các khu vực biên giới của Nga, chẳng hạn như Kursk, nhưng họ nhiều lần từ chối yêu cầu của ông Zelensky về việc tấn công các mục tiêu xa hơn của Nga, chẳng hạn như các sân bay quân sự, bằng tên lửa ATACMS hoặc Storm Shadow.
Tổng thống Putin nhiều lần cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột nếu Kiev được cho phép dùng các tên lửa phương Tây tập kích lãnh thổ Nga. Các quan chức phương Tây cho biết, họ lo ngại Điện Kremlin sẽ phản ứng bằng cách có thể bao lực lượng Houthi ở Yemen các tên lửa tinh vi có thể đánh chìm tàu chiến của Mỹ ở Biển Đỏ hoặc đẩy mạnh các hoạt động phá hoại tại châu Âu. Phương Tây đã cáo buộc Nga đã cung cấp cho Houthi thông tin tình báo để nhắm mục tiêu vào các tàu thương mại.
Vai trò của vũ khí tấn công tầm xa
Mặc dù không mạnh hoặc nhanh như tên lửa ATACMS hay Storm Shadow của phương Tây, vũ khí tầm xa của Ukraine đã tăng dần về phạm vi và sức mạnh, chuyển từ việc gây phiền toái cho đối phương sang vai trò là đòn bẩy chiến lược trong cuộc chiến đang tiến gần đến mốc ba năm. Đây là một sự thay đổi lớn so với năm đầu tiên của cuộc chiến, khi Nga phá hủy các mục tiêu quân sự trên khắp Ukraine bằng máy bay không người lái và tên lửa mà không quá lo lắng về việc các cơ sở trong lãnh thổ nước này sẽ bị tấn công.
“Nga có khả năng tấn công sâu vào cơ sở hậu cần và cơ sở quân sự của Ukraine, trong khi Kiev chỉ giới hạn ở việc tấn công các mục tiêu trên tiền tuyến, điều này cho thấy sự bất cân xứng lớn giữa lợi thế của hai bên”, nhà nghiên cứu Mykola Bielieskov, tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc gia ở Kiev đánh giá. “Vì vậy, bây giờ Ukraine đang thể hiện năng lực bằng các cuộc tấn công khá hiệu quả. Động lực này có lợi cho Kiev do bên phát động cuộc tấn công sẽ nắm quyền chủ động còn Nga đang gặp khó khăn trong việc bảo vệ lãnh thổ rộng lớn của họ”.
Ukraine đã đẩy mạnh phát triển vũ khí tấn công tầm xa vào thời điểm quan trọng của cuộc chiến. Trong khi đó, các lực lượng Nga, vốn có lợi thế về nhân lực và đạn dược, vẫn tiến chậm nhưng đều đặn ở khu vực phía đông Ukraine và đang thách thức tuyến phòng thủ của Ukraine tại khu vực Zaporizhzhia nằm ở phía nam.
Ukraine cùng nhiều nước ủng hộ ngày càng tin rằng, để cuộc chiến chấm dứt, Kiev cần phải giành chiến thắng không chỉ trên lãnh thổ nước này mà còn trên lãnh thổ Nga. Vì thế, Kiev cần phải gây ra nhiều thiệt hại hơn nữa cho nền kinh tế và cơ sở hạ tầng quân sự của Nga.
Nghị sỹ Mỹ Jason Crow – người hối thúc chính quyền Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng tên lửa ATACMS tấn công bên trong nước Nga nhấn mạnh: “Về lâu dài, Ukraine khó có thể chiến đấu và giành chiến thắng trong cuộc xung đột tiêu hao ở miền nam và miền đông nước này. Vì vậy, họ phải tìm ra cách thay đổi phép tính của Tổng thống Putin”.
“Ukraine có quyền tự vệ. Để làm như vậy, họ phải tấn công bên trong nước Nga, vào những nơi trú ẩn an toàn, các căn cứ và trung tâm hậu cần quân sự mà Moscow sử dụng để tấn công Ukraine”, ông Jason Crow nói thêm.
Thượng nghị sĩ Mỹ Roger Wicker, thành viên cấp cao của Ủy ban Quân vụ Thượng viện, đã gửi thư cho Tổng thống Biden và cho rằng, Washington đã “làm suy yếu” khả năng quân sự của Ukraine. Ông hối thúc Tổng thống Biden áp đặt các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng ATACMS dựa trên "loại mục tiêu thay vì khoảng cách từ biên giới giữa nước này với Nga" và chuyển "số lượng lớn" tên lửa ATACMS trong kho dực trữ của quân đội Mỹ tới Ukraine.
Chuyên gia cảnh báo “chớ đùa với lửa”
Việc Nga tuyên bố sẽ trả đũa nỗ lực của Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine có thể chỉ là sự răn đe. Nhưng lời cảnh báo của Tổng thống Putin về việc Ukraine được cho pháp tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa của phương Tây lại thuộc một phạm trù khác, ông Sam Charap, chủ tịch chính sách Nga và Âu Á tại nhóm nghiên cứu Rand có trụ sở tại Santa Monica, bang California, lưu ý.
“Đây là ranh giới đỏ rõ ràng mà Nga đã đặt ra. Sẽ có áp lực buộc họ phải hành động nếu điều này xảy ra. Nếu không làm như vậy, họ sẽ mất đi uy tín và thể diện”, ông Sam Charap nhấn mạnh.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin cho biết, nếu Ukraine tấn công những mục tiêu trong lãnh thổ Nga bằng tên lửa ATACMS thì điều này sẽ không thay đổi tiến trình cuộc chiến vì Nga đã di chuyển máy bay phóng bom lượn ra khỏi tầm bắn của các tên lửa đó.
Theo giới phân tích, Ukraine đã gia tăng sức ép với Nga trong lĩnh vực hàng hải thông qua các cuộc tấn công tầm xa. Các cuộc tấn công của Kiev vào Hạm đội Biển Đen của Nga và cảng Novorossiysk bằng tên lửa hay máy bay không người lái, đã dẫn đến những thỏa thuận không chính thức cho phép mở lại cảng Odessa, cảng chính của Ukraine, cho phép Kiev vận chuyển ngũ cố ra nước ngoài vào năm 2024.
Ngoài ra, nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công của Nga vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine cũng đang cho thấy hiệu quả, sau khi Kiev tập kích hàng loạt nhà máy lọc dầu của Nga và một số nhà máy điện lớn của Nga vào đầu năm nay.
Sau làn sóng tấn công gần đây vào các sân bay, kho vũ khí và kho dự trữ nhiên liệu, Ukraine đang chuyển sự chú ý sang các ngành công nghiệp quốc phòng của Nga. Kiev đã tấn công một số nhà máy quốc phòng Nga trong những tuần gần đây.
Ông Anatoli Khrapchynski, giám đốc điều hành cấp cao tại một nhà sản xuất quốc phòng của Ukraine cho biết: "Nếu Nga mất các dây chuyền sản xuất và các công nhân nước này thường xuyên đối mặt nguy cơ bị tấn công, thì khả năng tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow sẽ bị ảnh hưởng lớn”.
Hồng Anh/VOV.VN (Tổng hợp)
Nguồn VOV : https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/ukraine-lien-tiep-tan-cong-tam-xa-vao-nga-chuyen-gia-canh-bao-cho-dua-voi-lua-post1131308.vov