Trả lời báo VZGLYAD, chuyên gia Aleksey Leonkov cho biết chiến thuật này không phải mới, bởi trước đó Ukraine từng sử dụng các công trình dân sự như nhà máy điện hạt nhân, trường học, bệnh viện để cất giấu khí tài và làm lá chắn sống.
Hành vi này đã nhiều lần bị Nga lên án nhưng vẫn tiếp diễn, đặc biệt khi Ukraine luôn tìm cách lách luật để kéo dài xung đột.
Việc cất giấu vũ khí tại các cơ sở năng lượng không chỉ giúp Ukraine bảo vệ khí tài trước các cuộc tấn công, mà còn đặt Nga vào tình thế khó xử: nếu tấn công vào những vị trí này, Moscow sẽ bị cáo buộc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, còn nếu bỏ qua, Kiev sẽ tiếp tục tích trữ vũ khí và sử dụng chúng trên chiến trường.
Chuyên gia Leonkov nhận định, dù Ukraine có thể lợi dụng thời gian này để cất giấu vũ khí, nhưng cuối cùng chúng vẫn phải được vận chuyển ra tiền tuyến.
Khi đó, Nga sẽ theo dõi lộ trình vận chuyển và tấn công ngay khi khí tài rời khỏi nơi ẩn náu.
"Không còn cách nào khác trong thời gian lệnh ngừng bắn còn hiệu lực. Nhưng Nga có thể tận dụng điều này để gây sức ép lên Mỹ, buộc Washington phải can thiệp và ngăn Kiev tiếp tục khiêu khích", Leonkov nhấn mạnh.
Theo ông, đây không chỉ là một chiêu trò lách luật mà còn là một cái bẫy ngoại giao. Nếu Moscow tấn công các địa điểm này, Ukraine sẽ lập tức tố Nga vi phạm thỏa thuận, tạo cơ hội cho phương Tây gia tăng áp lực, thậm chí có thể đẩy mạnh viện trợ quân sự với lý do Nga không giữ cam kết.
Leonkov nhấn mạnh rằng, Kiev không chỉ tìm cách bảo vệ khí tài mà còn muốn kích động một phản ứng mạnh từ Nga để tiếp tục lôi kéo sự hỗ trợ từ Mỹ và châu Âu.
Trong tình thế này, câu hỏi lớn nhất vẫn là Washington sẽ phản ứng ra sao? Liệu họ có tiếp tục bảo kê Kiev bất chấp những hành vi khiêu khích này?
Dương Ngân