Sự cố xảy ra vào tối ngày 22/7 (giờ địa phương). Theo thông tin chính thức, phi công điều khiển đã kịp thời nhảy dù và thoát nạn an toàn. Đây là một trong những chiếc Mirage 2000 đầu tiên được chuyển giao cho Ukraine từ Pháp hồi đầu năm nay, đánh dấu lần đầu loại tiêm kích này được đưa vào biên chế của một quốc gia không thuộc NATO trong nhiều thập kỷ.
Máy bay chiến đấu Mirage 2000. (Nguồn: MW)
Thông cáo từ Không quân Ukraine cho biết: "Vào tối 22/7, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bay với tiêm kích Mirage 2000, máy bay gặp sự cố kỹ thuật. Phi công đã báo cáo sự cố với chỉ huy điều hành chuyến bay và sau đó thực hiện thao tác nhảy dù an toàn".
Dù chưa có thông tin chi tiết về nguyên nhân kỹ thuật, nhưng sự việc đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về độ tin cậy của các loại máy bay cũ đang được viện trợ cho Ukraine.
Việc Pháp chuyển giao Mirage 2000 cho Ukraine lần đầu được công bố vào tháng 6/2024 và những chiếc đầu tiên bắt đầu được tiếp nhận vào tháng 2/2025. Trước khi bàn giao, Pháp đã thực hiện một số nâng cấp nhẹ cho các máy bay, chủ yếu là tích hợp hệ thống phòng vệ điện tử để tăng khả năng sống sót trong môi trường chiến đấu hiện đại.
Tuy nhiên, giới chuyên gia vẫn bày tỏ nhiều hoài nghi về hiệu quả thực tế của những dòng tiêm kích đã lỗi thời này.
Mirage 2000 được đưa vào sử dụng từ năm 1984, tức là đã hơn 40 năm tuổi đời. Khi ra đời, nó từng được kỳ vọng sẽ là đối trọng của F-16 của Mỹ, một trong những máy bay chiến đấu thành công nhất mọi thời đại.
Thế nhưng, Mirage 2000 nhanh chóng bộc lộ điểm yếu về động cơ và hiệu suất chiến đấu, khiến nó không thể cạnh tranh được với các dòng tiêm kích Mỹ trên thị trường quốc tế. Trong khối NATO, chỉ có Hy Lạp là quốc gia duy nhất mua loại máy bay này để biên chế.
Trong bối cảnh Ukraine đang vận hành một loạt máy bay chiến đấu cũ do các nước phương Tây viện trợ, từ MiG-29 của Đông Âu, F-16 của Bỉ, Hà Lan, Na Uy, đến Mirage 2000 của Pháp, những vụ tai nạn như thế này có thể gây ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả chiến đấu và tinh thần quân đội.
Một số ý kiến cho rằng các sự cố máy bay có thể không chỉ đơn thuần là tai nạn kỹ thuật mà còn có thể là hậu quả của hoạt động chiến đấu thực sự, khi các tiêm kích này đối mặt với lưới phòng không dày đặc của Nga.
Xuân Minh