Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, đã có sáu tên lửa được phóng, trong đó năm tên lửa bị bắn hạ và một tên lửa bị hư hỏng.
Trước đây, các cuộc tấn công sử dụng tên lửa của phương Tây chỉ được cho phép nhắm vào các mục tiêu trên lãnh thổ mà các nước phương Tây coi là thuộc Ukraine - chủ yếu là bán đảo Crimea đang tranh chấp và các khu vực Donetsk, Kherson, Luhansk, và Zaporizhzhia.
Phóng tên lửa đạn đạo ATACMS
Ukraine từng tấn công lãnh thổ Nga bằng các tên lửa sản xuất từ thời Liên Xô như OTR-21 Tochka, cũng như sử dụng nhiều loại máy bay không người lái.
Trong nhiều tháng qua, các quốc gia châu Âu đã thúc giục Mỹ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí của phương Tây - vốn dựa vào hệ thống GPS của Mỹ để định hướng - tấn công sâu hơn vào lãnh thổ Nga.
Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng, nếu các tên lửa tầm xa được phóng với sự điều khiển của chuyên gia quân sự Mỹ, thì điều này sẽ đánh dấu một giai đoạn mới nguy hiểm của cuộc chiến.
Mặc dù phản ứng của Nga đối với sự leo thang này vẫn chưa rõ ràng, nhưng cùng ngày Ukraine phóng tên lửa ATACMS, Tổng thống Vladimir Putin đã phê chuẩn một bản cập nhật mới cho học thuyết hạt nhân của Liên bang Nga.
Đây được xem như là một phản ứng trước tình hình thay đổi. Học thuyết mới này đã hạ thấp đáng kể ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân của Nga, bao gồm các quy định sau:
Hành động xâm lược chống lại Nga và các đồng minh của Nga bởi một quốc gia không hạt nhân có sự hỗ trợ từ một quốc gia hạt nhân sẽ được coi là một cuộc tấn công phối hợp.
Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa nghiêm trọng đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Nga hoặc của Belarus.
Điều kiện để sử dụng vũ khí hạt nhân bao gồm việc phóng tên lửa đạn đạo chống lại Nga.
Nga có thể đáp trả hạt nhân trong trường hợp có mối đe dọa "nghiêm trọng đến chủ quyền" của nước này ngay cả khi chỉ sử dụng vũ khí thông thường, chẳng hạn như các cuộc tấn công quy mô lớn bằng máy bay quân sự, tên lửa hành trình, máy bay không người lái, hoặc các hệ thống trên không khác vượt qua biên giới Nga.
Việc sử dụng lãnh thổ và tài nguyên cho các hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga cũng là căn cứ để Nga tiến hành ngăn chặn hạt nhân.
Mặc dù nhiều quốc gia châu Âu mạnh mẽ kêu gọi thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, thỏa hiệp đạt được với Mỹ dự kiến chỉ cho phép các cuộc tấn công giới hạn, tập trung vào các khu vực lân cận Ukraine như Kursk và Bryansk.
Các cuộc tấn công này khó có khả năng khiến Nga đe dọa đáp trả hạt nhân nhưng có thể gây rối loạn nghiêm trọng cho các tuyến tiếp tế và làm phức tạp tình hình phòng thủ của Nga.
Đồng thời làm chậm lại tốc độ tấn công của Nga vào lực lượng Ukraine và đồng minh phương Tây ở khu vực Kursk.
Sự phức tạp của các cuộc tấn công bằng tên lửa dẫn đường bằng vệ tinh đòi hỏi sự hiện diện đáng kể của lực lượng phương Tây tại Ukraine để hỗ trợ, đồng thời phụ thuộc nhiều vào mạng lưới GPS của Mỹ.
Khả năng của Ukraine trong việc thực hiện các cuộc tấn công này dự kiến sẽ được mở rộng khi các nước châu Âu tăng cường cung cấp tên lửa hành trình cho nước này, bao gồm các tên lửa SCALP của Pháp cho máy bay chiến đấu Mirage 2000 sắp được chuyển giao.
Bên cạnh đó có thể là các tên lửa tích hợp cho các chiến đấu cơ F-16 của Ukraine.
Hoa Kỳ trước đó đã rất do dự trong việc cung cấp F-16 cho Ukraine và chỉ cho phép các quốc gia châu Âu cung cấp F-16 cũ sau một chiến dịch vận động mạnh mẽ từ đồng minh.
Ngọc An