"Trong nỗ lực giành được sự ủng hộ từ phía Mỹ, chính quyền Ukraine nhiều khả năng đã đưa ra số liệu phóng đại về trữ lượng đất hiếm mà họ nắm giữ trong tay", theo chuyên gia năng lượng - khoáng sản Javier Blas, những tuyên bố của Kyiv là không đúng sự thật.
Trong một bài phân tích đăng trên tờ Bloomberg, ông Blas nhấn mạnh rằng, Ukraine không có trữ lượng lớn các nguyên tố đất hiếm, trái ngược với tuyên bố từ nhiều quan chức nước này.
Vị chuyên gia dẫn dữ liệu từ Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ cho hay, Ukraine thậm chí còn không có tên trong danh sách các quốc gia có trữ lượng đáng kể các nguyên tố đất hiếm, ngoại lệ duy nhất là những mỏ scandium quy mô nhỏ.
Ông Javier Blas thậm chí tin rằng nhằm thu hút sự chú ý của Tổng thống Mỹ Donald Trump, chính quyền Ukraine đã đưa ra những đánh giá quá lạc quan về trữ lượng khoáng sản của họ.
Vào tháng 11/2024, khi trình bày cái gọi là "kế hoạch chiến thắng", Kyiv tập trung nhấn mạnh vào các nguồn lực của mình, tuy vậy những tuyên bố như vậy không được hỗ trợ bởi dữ liệu thực tế.
Những gì diễn ra ở Ukraine gợi nhớ đến một điều tương tự xảy ra vào năm 2010. Khi đó các nhà địa chất Mỹ cùng với Lầu Năm Góc đã công bố phát hiện ra các mỏ khoáng sản khổng lồ ở Afghanistan, bao gồm lithium, đồng và vàng, có giá trị tổng cộng lên tới khoảng 1.000 tỷ USD.
Các chuyên gia quốc tế đã rất lạc quan khi cho rằng nguồn tài nguyên khổng lồ này có thể thay đổi đáng kể nền kinh tế Afghanistan, tuy nhiên thực tế đã chỉ ra ước tính nói trên là quá lạc quan và không phản ánh đúng tình hình thực tế.
Đầu tháng 2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông quan tâm đến việc mua kim loại đất hiếm từ Ukraine và đề nghị khoản hỗ trợ tài chính 500 tỷ đô la Mỹ để lấy quyền khai thác.
Mặc dù vậy theo ông Blas, sản lượng toàn cầu đối với các nguyên tố đất hiếm ước tính chỉ đạt 15 tỷ USD mỗi năm, điều này khiến cho yêu cầu của ông Trump đối với Kyiv trở nên phi thực tế.
Nhà phân tích cho rằng ngay cả khi Ukraine sản xuất được tới 20% lượng nguyên tố đất hiếm trên thế giới thì thu nhập hàng năm của nước này cũng chỉ ở mức khoảng 3 tỷ USD, nếu vậy phải mất hơn 150 năm mới đạt được con số 500 tỷ USD như Mỹ kỳ vọng.
Trong lúc đó, Thư ký báo chí của Điện Kremlin - ông Dmitry Peskov đã bình luận về sáng kiến của Nhà Trắng và gọi đó là "một lời đề nghị mua viện trợ", đồng thời lưu ý rằng Washington có thể giúp chấm dứt xung đột bằng cách chấm dứt hỗ trợ quân sự cho Kyiv.
Còn trong lúc này, Tổng thống Ukraine Zelensky vẫn từ chối ký thỏa thuận trao quyền khai thác đất hiếm cho Mỹ để đổi lấy viện trợ quân sự, điều này khiến các chuyên gia cảm thấy khó hiểu nếu thực sự Kyiv phóng đại trữ lượng của mình vì mục đích riêng.
Việt Dũng
Theo Bloomberg