Ukraine ra mắt loại vũ khí mới miễn nhiễm với tác chiến điện tử

Ukraine ra mắt loại vũ khí mới miễn nhiễm với tác chiến điện tử
12 giờ trướcBài gốc
Các thử nghiệm gần đây do cụm công nghệ quốc phòng Brave1 thực hiện với sự hỗ trợ của Chuẩn tướng Andriy Lebedenko, Phó Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine, đã cho thấy tiềm năng của máy bay không người lái FPV (góc nhìn thứ nhất) và tổ hợp robot mặt đất sử dụng cáp quang. Những thử nghiệm này đã làm nổi bật những lợi thế đáng kể cũng như một số hạn chế chưa lường trước, theo Defense Express ngày 2/4.
Những thiết bị không người lái này đã đạt được những tiến bộ đáng kể: trước đây phạm vi hoạt động chỉ giới hạn trong khoảng 5-10 km, nhưng các thử nghiệm gần đây đã chứng minh khả năng tấn công mục tiêu ở khoảng cách trên 20 km.
Những hệ thống này hứa hẹn cải thiện đáng kể hoạt động tấn công, trinh sát và phòng thủ, cung cấp khả năng liên lạc ổn định và nâng cao hiệu quả tác chiến ở cự ly xa.
"Cáp quang là yếu tố thay đổi cuộc chơi trong cuộc chiến về liên lạc và tác chiến điện tử, vì nó đảm bảo liên lạc ổn định và không bị ảnh hưởng bởi các công cụ tác chiến điện tử (EW). Chúng tôi rất quan tâm đến việc triển khai cáp quang để các tổ hợp robot mặt đất có thể hoạt động ở khoảng cách xa hơn và giúp chúng tôi tiêu diệt kẻ thù hiệu quả hơn", Đại úy Oleksandr Yabchanka, trưởng bộ phận hệ thống robot của Tiểu đoàn "Wolves Da Vinci", tuyên bố.
Robot mặt đất. (Ảnh: Tạp chí Quốc phòng Anh qua United24media)
Cuộc thử nghiệm có sự tham gia của hơn 15 nhà sản xuất UAV và 7 đơn vị sản xuất nền tảng robot mặt đất, với một tuyến hành trình dài 20 km được thiết lập cho các máy bay FPV.
Những máy bay không người lái này miễn nhiễm với tác chiến điện tử, hoạt động mà không phát ra tín hiệu vô tuyến để tránh bị phát hiện và cung cấp hình ảnh truyền tải ổn định ở khoảng cách xa. Chúng cũng không bị giới hạn bởi đường chân trời vô tuyến, đảm bảo hiệu suất đáng tin cậy trong chiến đấu, theo Defense Express.
Một trong những thách thức chính đối với robot mặt đất là giới hạn về liên lạc. Địa hình, cây cối và công trình có thể cản trở tín hiệu vô tuyến, trong khi tác chiến điện tử của đối phương có thể làm gián đoạn hoạt động, dẫn đến nguy cơ mất thiết bị đắt tiền.
Ngoài ra, phạm vi truyền tín hiệu vô tuyến của những thiết bị này tương đối ngắn, khiến chúng kém hiệu quả nếu không có các thiết bị hỗ trợ như bộ lặp tín hiệu.
Cáp quang mang lại giải pháp cho vấn đề này. Không giống như hệ thống vô tuyến, cáp quang miễn nhiễm với nhiễu tín hiệu từ môi trường cũng như tác động từ hệ thống gây nhiễu của đối phương.
Tuy nhiên, cáp quang cũng có những hạn chế, đặc biệt là về trọng lượng. Máy bay FPV có tải trọng giới hạn nên đôi khi phải giảm trọng lượng đầu đạn để chứa dây cáp quang. Chẳng hạn, 10 km dây cáp quang có trọng lượng khoảng 2,1 kg.
Trái ngược với những lo ngại trước đây, độ bền của cáp quang đã được chứng minh là đáng tin cậy, với lực chịu đựng của sợi quang mỏng đạt từ 30-40 kg.
Dù đảm bảo độ bền nhưng vấn đề trọng lượng vẫn là một yếu tố quan trọng đối với hệ thống không người lái trên không.
Đối với các tổ hợp robot mặt đất, vốn có thể mang tải trọng lớn hơn nhiều, cáp quang có thể được sử dụng ở khoảng cách xa hơn đáng kể. Tuy nhiên, truyền tín hiệu vẫn có giới hạn, và trong trường hợp dây cáp bị hỏng, có thể sử dụng các biện pháp thay thế như ăng-ten để duy trì kết nối, theo Defense Express.
Việc tích hợp cáp quang vào hệ thống không người lái giúp cung cấp hình ảnh chất lượng cao, ổn định ở khoảng cách lớn.
Công nghệ này được kỳ vọng sẽ cách mạng hóa các hoạt động quân sự, bao gồm khả năng thiết lập các cuộc phục kích sâu trong lãnh thổ đối phương với rủi ro thấp hơn cho binh sĩ. Khi hệ thống không người lái tiếp tục phát triển, cáp quang ngày càng trở thành yếu tố quan trọng trong chiến lược quân sự, mang lại lợi thế rõ rệt trong cả liên lạc và hiệu suất tác chiến.
Thế Hải (Theo United24media)
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/ukraine-ra-mat-loai-vu-khi-moi-mien-nhiem-voi-tac-chien-dien-tu-204250404225347427.htm