Tờ New York Times (NYT) dẫn lời 4 quan chức Mỹ giấu tên cho biết, hệ thống Patriot được triển khai tại Israel, sẽ được gửi đến Ukraine sau khi được hiện đại hóa. Ngoài ra, phương Tây cũng đang cân nhắc chuyển một hệ thống Patriot khác từ Đức hoặc Hy Lạp cho Kiev.
Theo ấn phẩm, các quan chức từ chối tiết lộ lập trường của Tổng thống Mỹ Donald Trump về quyết định gửi hệ thống phòng không mới tới Ukraine. Họ cũng không nêu rõ thời điểm đưa ra quyết định trước hay sau khi ông Trump trở lại Nhà Trắng.
NYT lưu ý, quân đội Ukraine có 8 hệ thống Patriot, 6 chiếc trong số đó đang hoạt động và 2 chiếc còn lại đang được nâng cấp. Với các hệ thống đến từ Israel, Đức hoặc Hy Lạp, lực lượng phòng không Ukraine sẽ có tổng cộng 10 hệ thống.
Năm ngoái, Tổ chức Hiệp ước bắc Đại Tây Dương (NATO) cam kết sẽ cung cấp thêm 7 hệ thống Patriot cho Ukraine. Tổng thư ký NATO Mark Rutte tuyên bố quá trình giao hàng đã bị trì hoãn, nhưng các hệ thống sẽ sớm đến Ukraine.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine cần 25 hệ thống Patriot để bảo vệ bầu trời khỏi tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Bảy hệ thống bổ sung chỉ đủ để bao phủ các thành phố lớn của Ukraine.
Vào tháng 4 năm nay, nhà lãnh đạo Ukraine đã đề xuất mua hệ thống Patriot từ Mỹ. Tuy nhiên, Kiev vẫn chưa nhận được phản hồi chính thức từ Washington.
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London, trên thế giới có khoảng 186 hệ thống Patriot đang hoạt động. Khoảng một phần ba thuộc về Mỹ, nước này đã triển khai nhiều hệ thống đến châu Âu, châu Á và Trung Đông.
Các nước châu Âu sở hữu khoảng 40 hệ thống tên lửa đất đối không, trong đó Đức và Hy Lạp cùng sở hữu khoảng 15 hệ thống Patriot.
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không (SAM) do Tập đoàn quốc phòng Mỹ Raytheon Technologies sản xuất. Một trong những điểm chính của hệ thống Patriot là khả năng tích hợp với các hệ thống phòng không khác, tạo ra mạng lưới phòng thủ nhiều lớp.
Ở thời điểm hiện tại, tên lửa PAC-3 MSE được đánh giá là phiên bản mạnh nhất của hệ thống Patriot. Tên lửa này có tốc độ cao, sử dụng công nghệ tìm-diệt mục tiêu chính xác, cho phép đánh chặn nhiều mục tiêu trên không, như: Tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu.
Tên lửa PAC-3 MSE có chiều dài 5,21 m, trọng lượng 312 kg, được trang bị một động cơ kép xung lực, có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới ở độ cao 40 km, tốc độ bay Mach 5.
Quỳnh Như
Theo NYT