Kênh truyền hình RTL cho biết, một nhóm phi công Ukraine đã hoàn tất khóa đào tạo chuyển loại trên tiêm kích Mirage 2000-5F tại Pháp. Cùng với đó, đội ngũ hỗ trợ mặt đất của Ukraine cũng hoàn tất khóa đào tạo dành cho loại máy bay chiến đấu này.
Những chiếc Mirage 2000-5F mà Pháp chuyển giao cho Ukraine là bản nâng cấp sâu nhất của dòng tiêm kích này. Ảnh: Mạng xã hội
Được biết, quá trình đào tạo đối với đội ngũ vận hành của Ukraine kéo dài 6 tháng. Theo Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, Jean-Noël Barrot, sau khóa học này, các phi công và kỹ thuật viên Ukraine hiện đã hoàn toàn sẵn sàng để vận hành và bảo dưỡng các tiêm kích Mirage 2000-5F.
Nhiều nguồn tin cho biết, Kiev đề nghị được viện trợ 12 chiếc tiêm kích loại này, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hồi tháng 6/2024 cho biết Paris sẽ chỉ đáp ứng 6 chiếc. Trước mắt, theo tiết lộ của Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, Sébastien Lecornu lô đầu tiên gồm 3 chiếc Mirage 2000-5F dự kiến sẽ được chuyển giao tới Ukraine vào quý 1 năm 2025.
Mirage 2000-5 là máy bay chiến đấu lâu đời nhất của Pháp còn được sử dụng. Ra mắt cách đây 3 thập kỷ, chỉ có 26 chiếc vẫn còn hoạt động vào năm 2024. Mirage 2000-5F là biến thể nâng cấp sâu nhất của Mirage 2000 với nhiều khả năng tiên tiến, bao gồm hệ thống điện tử hàng không hiện đại, radar mạnh và khả năng mang theo nhiều loại đạn dược, khiến chiếc tiêm kích này được xem như sự bổ sung đa năng cho kho vũ khí của Ukraine.
Theo trang tin Global Defense, tiêm kích Mirage 2000-5F có thể sử dụng tên lửa hành trình SCALP EG/Storm Shadow của Pháp-Anh và bom dẫn đường AASM của Pháp, loại vũ khí mà các phi công Ukraine đã có kinh nghiệm sử dụng khi chúng được tích hợp vào những chiếc chiến đấu cơ từ thời Liên Xô của họ.
Tên lửa không đối đất tầm xa SCALP EG do Pháp sản xuất dưới cánh máy bay ném bom Su-24M của Ukraine. Ảnh: Không quân Ukraine
Tuy thiết kế ban đầu là tiêm kích đánh chặn song Mirage 2000-5F nhiều khả năng sẽ được phía Ukraine sử dụng cho nhiệm vụ tấn công mặt đất. Do đó, các máy bay được giao đều được trang bị vũ khí không đối đất sau khi được sửa đổi tại căn cứ Cazaux ở Gironde (Pháp).
Chúng sẽ chỉ đóng vai trò bổ sung cho các máy bay chiến đấu chủ yếu được Kiev sử dụng trên mặt trận, những chiếc F-16 do do Hà Lan, Đan Mạch, Bỉ và Na Uy cung cấp. Theo Đại tá Oleksandr Lykhodid, một phi công thử nghiệm hạng nhất của Không quân Ukraine, quyết định này dựa trên nhận định rằng khả năng chiếm ưu thế trên không của Nga sẽ hạn chế hiệu quả của những chiếc tiêm kích thế hệ cũ đến từ Pháp trong không chiến trực tiếp.
“Những máy bay của Pháp khó có thể tham gia vào các trận không chiến vì không quân Nga, với chủ yếu là những chiếc Su-35 và Su-30SM, được trang bị tên lửa và khả năng cơ động vượt trội so với Mirage 2000”, Đại tá Lykhodid giải thích.
Nguyễn Khánh (theo RTL, Militarnyi)